Tiếp nối Hội thảo Smart City 3600 lần I được Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán (thuộc Sở KHCN TP.HCM) tổ chức hồi tháng 9/2017, Hội thảo lần II với chủ đề “Giải pháp tương tác thời gian thực cho Đô thị thông minh” hướng đến việc giới thiệu, trao đổi các giải pháp hệ thống thông tin thông minh, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực tương tác thời gian thực và ứng dụng của các hệ thống này trong Đô thị thông minh.

Ông Vũ Anh Tuấn (cầm micro), Tổng thư ký Hội tin học TP.HCM và ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung, tại Hội thảo Smart City 3600 lần 1.

Bên cạnh đó, Hội thảo còn là dịp để giới chuyên gia, các nhà khoa học và doanh nghiệp trong lĩnh vực ICT cùng nhau trao đổi, thảo luận các giải pháp kết nối, tương tác giữa máy tính – con người và ứng dụng vào các lĩnh vực cụ thể trong quản lý đô thị như giao thông, y tế, môi trường.
Được biết, hồi tháng 12/2017, TP.HCM đã chính thức triển khai Đề án “Xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến đến năm 2025”.
Trong đó, đề án xác định 4 trụ cột trong mô hình thành phố thông minh gồm trung tâm dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; xây dựng trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội; trung tâm điều hành đô thị thông minh và trung tâm an toàn thông tin thành phố. Trong đó, Trung tâm cơ sở dữ liệu dùng chung là mấu chốt quan trọng, tạo nền tảng để thực hiện các hợp phần còn lại.

Hội thảo khoa học Giải pháp tương tác thời gian thực cho Đô thị thông minh (Smart City 3600 lần thứ II) kết nối cùng chuỗi sự kiện Lễ trao giải TOP ICT Việt Nam 2018 và Toàn cảnh Công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Outlook – VIO 2018) do Hội Tin học TP.HCM (HCA) tổ chức vào ngày 25-26/7 tại TP.HCM.
Các tham luận tại Smart City 3600 sẽ hướng tới đến Chương trình Nghiên cứu công nghệ thông tin phục vụ Đô thị thông minh và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, căn cứ trên Kế hoạch số 93/KH-SKHCN của Sở KHCN TP.HCM về tổ chức thực hiện 4 Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ mục tiêu giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Bốn chương trình này gồm: Nghiên cứu xây dựng nền tảng thử nghiệm mở (Open testbed platform); Nghiên cứu mô hình hệ thống dữ liệu mở cùng các công cụ phân tích mạnh nhằm hỗ trợ các ứng dụng về quản lý cũng như khai thác, sử dụng; Nghiên cứu phát triển các ứng dụng trên nền Vạn vật kết nối (Internet of Things – IoT), các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các giải pháp bảo mật, an ninh mạng; Phát triển các ứng dụng điển hình cho đô thị thông minh và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Hội thảo Smart City 3600 chú trọng tính kết nối giữa nghiên cứu với thực tiễn ứng dụng tại nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước. Theo đó, các tham luận, trao đổi sẽ chú trọng vào loạt chủ đề như Nghiên cứu, ứng dụng hệ thống – thiết bị vạn vật kết nối (IoT), hệ thống quan trắc tự động, các hệ thống tương tác trung gian, kinh nghiệm và kết quả thử nghiệm thực tế hoặc mô phỏng hệ thống trong các lĩnh vực liên quan đến đô thị thông minh.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng thảo luận về các nghiên cứu, ứng dụng về mô hình, ứng dụng kỹ thuật phân tích đáp ứng đồng bộ, tối ưu hóa tương tác thời gian thực để giải quyết các vấn đề cụ thể của giao thông, y tế, môi trường. Bên cạnh đó là các vấn đề về kiến trúc phần cứng và phần mềm có liên quan đến tương tác thời gian thực như hạ tầng truyền thông, cấu trúc bộ nhớ chuyên dụng, thiết kế vi mạch tích hợp cho ứng dụng thời gian thực, phần mềm mô phỏng cho các kiến trúc và ứng dụng mới…
Hội thảo Khoa học Giải pháp tương tác thời gian thực cho Đô thị thông minh – Smart City 3600 lần thứ II – sẽ là cơ hội kết nối các nhà nghiên cứu tại các trường Đại học, Viện nghiên cứu trong và ngoài nước, các chuyên gia công nghệ và các nhà quản lý. Hội thảo cũng hướng đến giới thiệu các giải pháp, ứng dụng, hệ thống thông tin thời gian thực cho các cơ quan quản lý của TP.HCM cũng như các tỉnh, thành đang xây dựng và triển khai thành phố thông minh – đô thị thông minh.