Trong bản báo cáo mới nhất, Facebook cho biết những nội dung bạo lực, ảnh khỏa thân người lớn, hoạt động tình dục, tuyên truyền khủng bố, spam… sẽ bị cấm trên Facebook. Ngoài ra, công ty cũng đã xóa bỏ khoảng 583 triệu tài khoản giả mạo trong 3 tháng đầu năm 2018, con số này đã giảm so với 694 triệu tài khoản trong quý IV-2017. Điều này cho thấy Facebook vẫn đang phải vật lộn với vấn đề spam, giả mạo tài khoản và những nội dung không mong muốn.
Facebook cam kết sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt (vừa được giới thiệu cách đây vài tháng) để phát hiện các tài khoản giả mạo. Tuy nhiên, tờ Washington Post cho rằng công nghệ nhận diện khuôn mặt của Facebook vẫn bị giới hạn vì cơ sở dữ liệu còn ít. Bên cạnh đó, công ty cũng cung cấp một vài số liệu về những nội dung đã bị xóa trong quý I-2018, cũng như các nội dung bị gắn cờ bởi hệ thống hoặc do người dùng báo cáo (report):
– 21 triệu nội dung mô tả ảnh khoả thân và hoạt động tình dục không phù hợp đã bị gỡ xuống, 96% trong số đó được các công cụ của Facebook phát hiện và gắn cờ.
– 3,5 triệu nội dung bạo lực đã bị gỡ xuống hoặc gắn nhãn cảnh báo, 86% trong số đó đã bị các công cụ của Facebook gắn cờ.
– 2,5 triệu ngôn từ kích động thù địch đã bị gỡ xuống, 38% trong số đó bị các công cụ của Facebook gắn cờ.
Những con số trên cho thấy Facebook vẫn chủ yếu dựa vào người dùng để phát hiện các nội dung thù địch. Mark Zuckerberg cũng cho rằng khó có thể xây dựng hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) để xác định các ngôn từ kích động thù địch. Facebook định nghĩa ngôn từ kích động thù địch là “nhắm trực tiếp vào con người dựa trên những đặc điểm được bảo vệ, đơn cử như chủng tộc, dân tộc, nguồn gốc quốc gia, liên kết tôn giáo, khuynh hướng tình dục, giới tính, nhận dạng giới tính, khuyết tật hoặc bệnh tật nghiêm trọng”.
Phó giám đốc quản lý sản phẩm của Facebook – Guy Rosen cũng đã viết trong một bài đăng trên Blog rằng hệ thống AI vẫn cần phải phát triển nhiều năm nữa, điển hình là nạn tin tức giả mạo vẫn còn tràn lan trên Facebook như hiện nay.
Làm thế nào để hạn chế bị giả mạo tài khoản?
Hiện tại, Facebook chỉ mới triển khai tính năng này tại thị trường Ấn Độ, tuy nhiên người dùng Việt Nam vẫn có thể trải nghiệm thử bằng cách áp dụng mẹo nhỏ sau đây.
Profile Picture Guard (bảo vệ ảnh đại diện) là tính năng bảo mật được Facebook triển khai cho người dùng tại Ấn Độ nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng hình ảnh đang diễn ra tràn lan tại đây.
Cụ thể, khi kích hoạt tính năng bảo vệ ảnh đại diện, người khác sẽ không thể gửi, chia sẻ, chụp ảnh màn hình hoặc tải về ảnh đại diện của bạn. Phần hình ảnh sẽ được bao quanh bằng khung viền màu xanh dương và có thêm biểu tượng chiếc khiên bảo vệ.
Đầu tiên, bạn hãy tải và cài đặt tiện ích J2TEAM Security tại địa chỉ http://bit.ly/2jYkObG, nhấn Add to Chrome (thêm vào Chrome) > Add extension (thêm tiện ích). Tiện ích này tương thích với Google Chrome, Cốc Cốc, Opera, Yandex… hoặc các trình duyệt sử dụng mã nguồn mở Chromium.
J2TEAM Security là tiện ích bảo vệ bạn khỏi những trang web lừa đảo đánh cắp tài khoản, mã độc… Khi cài đặt hoàn tất, bạn chỉ cần nhấn phải chuột vào biểu tượng của tiện ích ở góc phải trình duyệt và chọn Tools (công cụ) > Facebook Profile Picture Guard (bảo vệ hình ảnh đại diện Facebook).
Trong trang web vừa hiện ra, bạn nhấn tiếp vào tùy chọn Turn On Profile Picture Guard. Ngay lập tức, chiếc khiên bảo vệ sẽ xuất hiện ở mép dưới ảnh đại diện của bạn. Để tắt tính năng này, người dùng chỉ cần thực hiện tương tự và chọn Turn Off Profile Picture Guard.
Bên cạnh đó, J2TEAM Security còn giúp ngăn chặn các vấn nạn lừa đảo, mất cắp tài khoản trên Facebook. Để sử dụng, bạn chỉ cần kích hoạt tùy chọn Real-time protection (Bảo vệ theo thời gian thực), Use online database (Sử dụng cơ sở dữ liệu online), Anti-Clickjacking (Chặn Clickjacking), Block Self-XSS on Facebook (Chặn Self-XSS trên Facebook).
Đặc biệt là một số tùy chọn để vô hiệu hóa tính năng “đã xem”, “đang nhập văn bản” trên Facebook Messenger… Điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể âm thầm hoạt động trên Facebook và sẽ không ai biết được bạn đang online hoặc offline, đã đọc tin nhắn Messenger hay chưa.
Theo Minh Hoàng (PLO)