Khi Apple phá kỷ lục giá và thiết lập “mức sàn” 1.000 USD cho iPhone X tháng 9/2017, giới phân tích đã không tiếc lời chế giễu và coi đó là mức giá quá đòi hỏi cho một chiếc điện thoại. Họ bán tín bán nghi về việc liệu người tiêu dùng, kể cả những iFan trung thành nhất, có sẵn sàng móc hầu bao cho iPhone X, khi bên cạnh đó vẫn còn hai lựa chọn hoàn toàn ổn là iPhone 8 và 8 Plus với giá thành hợp lý hơn rất nhiều.
Thế rồi, mãi cho đến khi người ta thấy iPhone X nhan nhản trên đường phố, theo sau đó là báo cáo tài chính quý vừa rồi của “Táo khuyết” cho biết iPhone X bán chạy hơn bất kỳ sản phẩm thương mại nào khác của Apple kể từ thời điểm lên kệ ngày 3/11/2017, các nhà phân tích mới biết mình đã lầm.
Với doanh số iPhone X ồ ạt, Apple đã chứng minh rằng người tiêu dùng phổ thông sẵn sàng trả 1.000 USD, thậm chí là hơn cho điện thoại di động, tương tự như đối với laptop cấu hình cao vậy. Và với tin đồn về một model iPhone X Plus có cấu hình khủng nhất và kích thước màn hình lớn hơn sẽ ra mắt tháng 9 này, Apple rất có thể sẽ mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới về giá iPhone, trong đó model rẻ nhất có giá 1.000 USD.
Điện thoại của bạn vẫn tăng giá đều đặn mỗi năm
Apple không phải nhà sản xuất duy nhất đều đặn tăng giá flagship của mình, Samsung, Huawei và thậm chí thương hiệu nổi tiếng với flagship giá rẻ OnePlus đều cho thấy dấu hiệu leo thang giá chưa có chiều hướng dừng lại.
Bảng so sánh giá flagship tại Mỹ từ 2016-2018 |
Chỉ trong 2 năm, giá điện thoại Galaxy của Samsung tại thị trường Hoa Kỳ đã tăng vọt 15,1% từ Galaxy S7 năm 2016 tới Galaxy S9 của 2018, còn dòng P của Huawei tăng tới 33% kể từ 2016, đó là chưa tính đến phiên bản “Pro” của nhà sản xuất Trung Quốc. Tuy nhiên, thật bất ngờ khi mức leo thang lớn nhất thuộc về OnePlus với 32,6% chênh lệch năm này so với năm trước tại Mỹ và 42,6% tại Anh.
Xu hướng giá flagship tăng dần đều càng cho thấy rõ hơn nữa mức độ quan trọng của thiết bị trong đời sống con người, bao gồm từ liên lạc với công việc, chụp ảnh lưu giữ khoảnh khắc và giải trí. Cùng với đó, những tiến bộ về cấu hình, trải nghiệm chụp ảnh, thời lượng pin và tốc độ truyền dữ liệu sẽ chỉ khiến con người ngày một phụ thuộc hơn vào thiết bị nhỏ bé nằm gọn trong lòng bàn tay.
“Người tiêu dùng sẵn sàng trả một mức giá cắt cổ cho chiếc điện thoại di động đơn giản bởi vì nó là sản phẩm quan trọng nhất trong cuộc sống của họ”, Trưởng bộ phận nghiên cứu phân tích của CCS Insight Ben Wood cho biết.
Linh kiện ngày một đắt đỏ
Tuy nhiên, các nhà sản xuất không phải ngẫu nhiên tăng giá. Linh kiện công nghệ như vi xử lý cấu hình cao hơn, tốc độ nhanh hơn, bộ nhớ trong dung lượng lớn hơn và cảm biến camera tốt hơn đương nhiên tốn nhiều hơn để sản xuất. Các chi phí trong quá trình nghiên cứu phát triển vật liệu mới để làm ra smartphone cũng được tính vào giá thành cuối cùng. Bên cạnh đó là sự ảnh hưởng nhỏ đến từ lạm phát.
“Dù doanh số bán ra của smartphone toàn cầu sẽ giảm nhẹ trong 2018, nhưng giá trung bình của một thiết bị sẽ đạt 340 USD, tăng 10,3% so với 313 USD năm 2017”, nhà phân tích Anthony Scarsella của IDC cho biết. Trong đó, mức tăng chủ yếu xảy ra ở phân khúc smartphone cao cấp.
Chênh lệch theo chiều hướng đi lên có thể dễ dàng nhận thấy khi so sánh giá của các model hiện thời với những thiết bị tiền nhiệm 2 năm về trước.
Lý giải cho mức tăng đột biến của mình, đại diện OnePlus cho biết: “Bởi sự phụ thuộc vào smartphone đã tăng mạnh trong thời gian gần đây, nhu cầu về linh kiện chất lượng cao cũng theo đó tăng lên”.
Còn Giám đốc cấp cao Ken Hong của LG cho biết: “Những yếu tố chủ yếu tác động đến giá thành cuối cùng của smartphone là giá linh kiện, tình hình chung giá của các đối thủ cùng phân khúc, khuyến mãi cho nhà mạng, thuế quan… Sự thực là những chi phí này tăng buộc lòng chúng tôi phải tăng giá thành sản phẩm lên”. Ông còn nói thêm rằng bằng cách ra thêm nhiều phiên bản khác nhau có thể giúp hạ giá các phiên bản trước đó, đơn cử như chiếc V35 tác động tích cực lên giá LG V30.
Về phía Samsung, Người khổng lồ công nghệ Hàn Quốc hiểu rõ hơn ai hết vị thế của mình trong việc đẩy giá điện thoại. Trong một báo cáo tài chính gần đây, hãng hứa sẽ giữ giá Galaxy Note 9 ở mức “hợp lý” khi ra mắt vào 9/8 tới đây. Note 8 năm ngoái khởi điểm ở mức 950 USD tại Mỹ và 869 GBP tại Anh, vốn đã nằm trên đỉnh chuỗi giá cả và khó có cơ sở để tin rằng Galaxy Note 9 năm nay sẽ bán ra ở con số nào thấp hơn thế.
Phân khúc hạng sang của người tiêu dùng cũng là “mỏ vàng” của nhà sản xuất
Tích hợp vào điện thoại những linh kiện tinh vi phức tạp như cảm biến mống mắt, cảm biến chiều sâu 3D, đèn chùm tia hồng ngoại hay đơn giản là là ba camera mặt lưng cùng với vật liệu cao cấp bên ngoài như nhôm dùng trong hàng không hoặc thép không rỉ đều yêu cầu chi phí cao hơn từ nhà sản xuất. Nhưng chỉ nghiên cứu phát triển và BOM (Hóa đơn nguyên vật liệu – Bill of Material) không thôi là chưa đủ để lý giải cho mức giá cao ngất ngưởng cứ nhích lên từng chút năm này qua năm khác. Sự thực là, chỉ có thể bằng cách tăng giá smartphone theo mỗi đời máy, Apple, Samsung và những “ông lớn” khác trong ngành công nghiệp mới có thể tạo ra được một phân khúc siêu lợi nhuận cho phép thu về nhiều hơn trên mỗi sản phẩm bán ra. Điều này đặc biệt quan trọng khi người tiêu dùng có xu hướng vài năm mới đổi điện thoại một lần, trong khi Apple không thể vài năm mới ra mắt 1 iPhone.
“Tôi hoàn toàn đồng ý rằng yếu tố linh kiện và nâng cấp dây chuyền sản xuất phần nào giải thích cho sự tăng giá, nhưng chắc chắn không đến mức độ như hiện nay. Thêm vào đó tôi tin rằng Apple đã đưa ra một quyết định tăng giá flagship iPhone chiến lược nhằm tối đa hóa lợi nhuận chảy về túi tiền vốn đã rủng rỉnh của hãng”, Wood nói.
Nhà phân tích Carolina Milanesi đến từ Creative Strategies cũng đồng ý với anh:
“Rõ ràng smartphone ngày nay sở hữu nhiều tính năng và được làm từ những vật liệu cao cấp hơn bao giờ hết. BOM tất nhiên là yếu tố đóng góp vào mức giá nghìn USD, nhưng tôi cho rằng các thương hiệu, đặc biệt là các thương hiệu có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng đang cố áp đặt mức giá cao ngút trời để hưởng lợi nhuận sâu hơn, đồng thời tạo biểu tượng cho thương hiệu của mình, lợi dụng tâm lý “đắt hơn chắc chắn tốt hơn, đắt nhất tức là sang nhất” của phần đông người mua”.
Vậy đâu mới là điểm dừng?
“Chừng nào smartphone còn phục vụ con người với tư cách là thiết bị điện toán chính trong ngày, người mua vẫn sẽ còn tiếp tục sẵn sàng móc hầu bao cho nhà sản xuất”, Milanesi nhận định.
Với cương vị là người đi đầu, Apple không chỉ đơn thuần đặt ra mức giá mới cho bản thân khi giới thiệu iPhone X, mà còn chính thức xác lập mức giá sàn 1.000 USD cho toàn ngành công nghiệp di động nói chung.
Để biến iPhone X thành smartphone thương mại đắt nhất thế giới, “Táo khuyết” đã phải nghĩ ra thiết kế hoàn toàn mới, loại bỏ phím home biểu tượng và lần đầu tiên đưa cảm biến chiều sâu 3D lên thiết bị di động, cho phép mở khóa qua nhận diện khuôn mặt mà không cần dấu vân tay. Thiết kế mới của Apple cho phép iPhone X có màn hình kích thước lớn hơn iPhone 8 Plus (về chiều dọc) trong thân hình tương đương với iPhone 8. Thêm vào đó, Apple gia cố thêm ý tưởng “siêu sang” trong đầu người dùng bằng cách sử dụng khung máy làm từ thép không gỉ cho cảm giác cầm nắm chắc tay hơn, cùng nhiều tính năng độc quyền như Animoji.
Nhiều khả năng năm nay sẽ có thêm iPhone X Plus, một phiên bản màn hình lớn hơn iPhone X, và không có lý do gì để Apple định giá sản phẩm mới thấp hơn cả, có thể chúng ta sẽ được chứng kiến iPhone X Plus ra mắt giá 1.200 USD chẳng hạn? Dư luận sẽ lập tức phản ứng dữ dội, rồi sau đó lặng lẽ cam chịu và móc hầu bao ra để thỏa mãn nhu cầu dùng smartphone đời mới nhất.
Như đã nói, việc iPhone X mở ra “ngưỡng cửa nghìn đô” đồng nghĩa các “ông lớn” còn lại như Samsung, Huawei hay OnePlus chẳng sớm thì muộn cũng sẽ tham gia vào cuộc chơi tăng giá. Chẳng hạn đối với OnePlus, ngay cả khi flagship OnePlus 6 của hãng tăng giá gần 30% so với model 2 năm trước, số tiền phải bỏ ra cho OnePlus 6 vẫn chỉ bằng một nửa chiếc iPhone X, một mức giá dù cao hơn các đời tiền nhiệm nhưng vẫn hoàn toàn chấp nhận được trong bối cảnh giá trần đã bị Apple và Samsung đẩy lên trên 1.000 USD.
“Khi Apple công bố iPhone X với mức giá khởi điểm 1.000 USD, họ đã mang lại cho cả ngành công nghiệp một món quà. Đó là giúp các nhà sản xuất khác có được khoảng cách giá nhất định để cạnh tranh và tôi có thể tưởng tượng được nụ cười trên mặt các nhà lãnh đạo Huawei và Samsung”, Wood nói. Nói cách khác, dù cho Apple vẫn là người bỏ túi nhiều tiền nhất, giá bán trên trời của iPhone X cũng giúp nhiều đối thủ khác kiếm thêm được lợi nhuận.
Smartphone tầm trung sẽ là sự lựa chọn của rất nhiều người
Tuy nhiên, xu hướng tăng giá của smartphone đầu bảng không lan xuống các phân khúc tầm trung ở dưới. Đối với phân khúc thấp hơn, thị trường vẫn tiếp tục chứng kiến những cái tên sáng giá như Motorola Moto G6 và E5 bán chạy và được coi là thiết bị di động ngon – bổ – rẻ với mức giá gần như tương đương các năm trước: 250 USD tại Mỹ, 219 GBP tại Anh và 399 AUD đối với Moto G6.
Bên kia bán cầu, dòng sản phẩm Honor của Huawei cũng rất “có tiếng” tại phân khúc giá rẻ nhờ cân bằng được giữa hiệu năng và giá thành sản phẩm, đồng thời loại bỏ đi những tính năng thời thượng như thiết kế tai thỏ, màn hình tràn viền hay camera kép. Những khoảng trống còn lại được Xiaomi, Nokia, Oppo và Asus giúp lấp đầy bằng các lựa chọn smartphone cơ bản có giá phải chăng của riêng mình.
Trong bối cảnh những thiết bị đầu bảng mạnh mẽ và lộng lẫy nhất sẽ ngày càng có giá đắt hơn, nhà sản xuất đã vô hình chung tạo ra một khoảng trống lớn cho các thiết bị tầm trung tỏa sáng. Nhu cầu về smartphone giá rẻ chưa bao giờ là thấp và sẽ tiếp tục tăng cao nhằm phục vụ nhóm người mua có ngân sách hạn hẹp hoặc chỉ có nhu cầu sử dụng cơ bản.
Tóm lại, nếu 1.000 USD cho một flagship 2019 là quá mức đối với bạn, có lẽ bạn sẽ phải chuyển hướng sang điện thoại tầm trung hoặc làm quen với “ngưỡng cửa nghìn đô” mới do Apple thiết lập, bởi phân khúc “siêu sang” sẽ còn duy trì, nếu không muốn nói là tiếp tục leo thang trong nhiều năm tới.