Nhiều người dân Việt Nam thu lậu tín hiệu ASIAD từ vệ tinh nước ngoài. |
Liên quan đến thông tin đã có một đơn vị truyền hình ở Việt Nam đàm phán mua bản quyền ASIAD, trả lời ICTnews trong chiều nay, đại diện 4 đơn vị truyền hình lớn có trụ sở tại miền Bắc là K+, Viettel, FPT, VTVcab đều có chung câu trả lời “không phải chúng tôi đang đàm phán”.
Trong chiều ngày 20/8/2018, một tờ báo chuyên về thể thao đã đưa tin, đại diện một đơn vị truyền hình tại Việt Nam đang thương thảo với đối tác nắm giữ bản quyền truyền hình ASIAD 2018 để có thể đưa hình ảnh Đại hội thể thao châu Á lên sóng truyền hình Việt Nam một cách hợp pháp.
Theo tờ báo này, danh tính của đơn vị truyền hình đó chưa được tiết lộ nhưng có thông tin cho biết không phải là VTV và là một doanh nghiệp có trụ sở ở miền Bắc.
Thông qua giới thiệu của một nhân vật nhiều năm làm việc trong ngành thể thao, đơn vị truyền hình này đã được tiếp cận với đối tác đang nắm giữ bản quyền truyền hình ASIAD 2018 tại Việt Nam.
Quá trình thương lượng giữa 2 bên đang được thực hiện ở Jakarta (Indonesia) và nếu mọi chuyện diễn biến thuận lợi thì người hâm mộ Việt Nam có thể chính thức được theo dõi trận đấu thuộc vòng 1/8 của U23 Việt Nam trên sóng truyền hình vào ngày 23/8 sắp tới. Không chỉ có bóng đá, mà người yêu thể thao Việt Nam còn có thể xem tất tần tật các bộ môn có các ngôi sao thể thao của Việt Nam thi đấu trên sóng truyền hình trực tiếp.
ICTnews cũng liên hệ qua điện thoại với lãnh đạo VTV, nhưng chưa được bắt máy.
Có thể nói, việc mang được bản quyền ASIAD về trong lúc này không chỉ làm nức lòng người yêu thể thao Việt Nam mà còn lấy lại uy tín và vị thế của các đơn vị truyền hình trong nước với hơn 90 triệu người dân Việt Nam.
Khi mà 75 quốc gia và vùng lãnh thổ có bản quyền phát sóng ASIAD, nhưng Việt Nam thì không. Hiện Việt Nam có khoảng 14 triệu thuê bao truyền hình trả tiền, với khoảng 22 triệu hộ gia đình đang thu xem truyền hình quảng bá miễn phí qua các kênh truyền dẫn khác nhau. Nhu cầu xem các giải đấu thể thao mang tầm cỡ châu lục, với phần thi đấu của hơn 500 vận động viên Việt Nam qua truyền hình của người dân là rất lớn.
Trong 10 ngày qua, việc không được xem đội nhà thi đấu một cách đàng hoàng, tử tế trên truyền hình đã khiến hàng triệu người Việt Nam lùng sục để xem thể thao, nhất là bóng đá qua các kênh phát lậu qua Internet, qua App OTT hoặc thu lậu sóng vệ tinh từ các nước lân cận, nhất là vệ tinh Thaicom hay vệ tinh của Ả rập.
Đặc biệt, một kênh chuyên vi phạm bản quyền là Xôi Lạc TV đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của nhiều người, người xem sẵn sàng tha thứ cho hành vi vi phạm bản quyền của Xôi Lạc TV vì họ đã mang hình ảnh thi đấu của đội tuyển Việt Nam về với khán giả trong nước…
Trên mạng xã hội, ngày càng nhiều người tỏ ra phẫn nộ và đổ trách nhiệm cho VTV, cho cơ quan quản lý nhà nước khi để người dân phải “đổ xô” đi xem hàng “lậu”, vô tình cổ súy cho hành vi vi phạm bản quyền.
Ban đầu giá bản quyền ASIAD ở Việt Nam được Dentsu chào với giá được cho là chỉ khoảng dưới mức 1 triệu USD nhưng sau khi bản quyền được một bên thứ 3 là KJSM mua lại và giá chào bán của KJSM tăng lên tới 4 triệu USD. Giá quá cao khiến VTV buộc phải lắc đầu cho dù biết trước người hâm mộ sẽ thiệt thòi.