Lựa chọn này từng được dẫn dắt thành công từ Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12 – 2016 qua hội thảo “Khoa học cơ bản với xã hội”.
Gần 200 nhà khoa học đến từ 40 quốc gia tham dự sự kiện quan trọng nhất trong chuỗi 11 hội thảo, 7 lớp học chuyên đề của kỳ Gặp gỡ Việt Nam 14 – 2018 nhân kỷ niện 25 năm khai sinh tổ chức kết nối khoa học đỉnh cao do GS Việt kiều Pháp Trần Thanh Vân sáng lập.
“Tác hợp” nhiều cấp độ
“Khoa học hiện hữu khắp nơi, nhưng có vẻ như giới khoa học thường không tham gia sớm vào các cuộc thảo luận giải quyết những vấn đề lớn của xã hội cũng như việc xây dựng chính sách liên quan. Cần thiết lập cầu nối ở tất cả các cấp độ, để mọi người ngồi lại với nhau,”- GS Trần Thanh Vân giải thích chủ đề hội thảo.
Vị chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam mời gọi: “Tất cả quý vị đều có mặt trong tim chúng tôi. Quy Nhơn thật nhỏ bé giữa 1 thế giới rộng lớn; không khí ở đây (Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành, ICISE) luôn thân thiện, cởi mở, chân thành để có thể chia sẻ, làm nảy sinh những ý tưởng đóng góp cho mục tiêu phát triển chung”.
Sự hiện diện của đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành, quan chức Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới Martin Chungong cho thấy mức độ cộng hưởng mà GS Vân cùng đồng sự thu nhận được. GS, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu hân hoan: “Hội thảo là cơ hội để Việt Nam tiếp nhận, thâu góp kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu của khoa học thế giới vào thực tiễn đất nước”. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh nhìn thấy ở hội thảo “cách tiếp cận hiện đại, đa ngành về mối quan hệ giữa khoa học với thực tế đời sống; sự tham gia của nhà khoa học vào việc hoạch định chính sách phát triển”.
“Khoa học để phát triển” bao gồm 7 hội thảo bàn tròn. Ở đó, các nhà khoa học trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận về tác động kinh tế – xã hội của khoa học; khoa học và việc hoạch định chính sách; khoa học và Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc; các mô hình khoa học và sự phát triển; khoa học là công cụ đối thoại; khoa học và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; khoa học giúp đưa ra cảnh báo và giải pháp.
Tại các phiên thảo luận, vai trò tác động, hàn gắn, hỗ trợ kiến tạo hòa bình, ngăn ngừa rủi ro, thảm họa tự nhiên và chiến tranh, xung đột giữa 1 thế giới đầy biến động, bất trắc được nhắc tới như những ví dụ nóng hổi tính thời sự: Khoa học tiếp sức cải thiện đối thoại nghị viện khu vực Trung Đông qua nỗ lực thúc đẩy nhiều dự án phát triển hay phát hiện lỗ thủng tầng ozone (1984) và sự ra đời của Nghị định thư Montreal (1987), Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (2015)…
Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Phạm Công Tạc nhìn nhận: “Sau 30 năm đổi mới, lực đẩy phát triển như lao động giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt. Khoa học kỹ thuật vì vậy phải là yếu tố quyết định giúp Việt Nam tiếp tục tiến nhanh”.
Nền tảng giáo dục, đầu tư cho giới trẻ
Ở tuổi 94, nguyên Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu hạt nhận Châu Âu Herwig Schopper (CERN) lặn lội đến Quy Nhơn “không phải để công bố kết quả 1 công trình mà là để chia sẻ kinh nghiệm sau suốt 1 đời nghiên cứu, phục vụ phát triển khoa học”.
Lời khuyên của GS Herwig Schopper là để khoa học – công nghệ thành chìa khóa phát triển, cần bắt đầu từ gốc rễ: “Phải đầu tư vào lớp trẻ, ngay khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Phải mở rộng cánh cửa hợp tác, giao lưu. ICISE là mô hình tốt, một điều kiện thuận lợi không chỉ riêng Quy Nhơn, Bình Định. Trung tâm đưa về Việt Nam rất nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới. Cơ hội chẳng dễ dàng gì, nên sẽ rất tiếc nếu nó không được tận dụng”.
Chủ nhân Nobel Vật lý 1999, GS Gerard ‘t Hooft, trong lần thứ hai trở lại Việt Nam cũng ví von tương tự: “Một cánh chim muốn bay cao, bay xa, phải được chăm chút ngay từ lúc đang còn chập chững”.
Trong việc xây dựng, ban hành chính sách, theo GS Gerard ‘t Hooft, chính sách hỗ trợ khuyến khích nghiên cứu khoa học trẻ là hết sức quan trọng với bất kỳ quốc gia nào. Nền tảng vững chắc đó, cộng với bầu không khí tự do sáng tạo sẽ là thành phần cơ bản nuôi dưỡng, kích thích khoa học phát triển; đến lượt mình, khoa học – công nghệ sẽ quay lại phục vụ cộng đồng một cách hiệu quả.
GS Finn Kydland – Nobel Kinh tế 2004 – thậm chí còn quyết liệt hơn. Ông cho rằng, chính sách đầu tư phải được tính tới “ngay khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ. Các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ hơn nữa, bằng thể chế, bằng chính sách đầu tư cho khoa học, công nghệ. Những quốc gia đang phát triển, đang ở lại phía sau bức tranh bất bình đẳng và sự gia tăng khoảng cách giàu – nghèo, muốn giải quyết thách thức trên, không thể không tập trung chăm lo sớm cho giáo dục, khoa học”.
Gặp gỡ Việt Nam “định cư” ở Quy Nhơn, Bình Định từ 2013. Sau 5 năm, đã có hơn 3.500 nhà khoa học quốc tế đến ICISE, tham dự 40 hội nghị khoa học, 16 khóa học chuyên đề. Trong số này, có 12 giáo sư đoạt giải Nobel, 2 giáo sư giải Fields Toán học, 2 giải Thiên văn học Kavli cùng nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới thuộc nhiều lĩnh vực.
Bên cạnh đó, Hội Gặp gỡ Việt Nam còn tổ chức nhiều buổi thuyết trình, giao lưu giữa các nhà khoa học với học sinh, sinh viên, công chúng phổ thông ở nhiều địa phương như Quy Nhơn, Huế, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh…