Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng vào sáng 9/8/2018. Ảnh: Theo MIC. |
Theo nguồn tin từ Bộ TT&TT, kết quả công bố Ứng dựng Công nghệ thông tin phát triển Chính phủ điện tử trong cơ quan nhà nước của Bộ TT&TT, Lâm Đồng đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, việc triển khai Đề án xây dựng “Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” cũng đang được phối hợp chặt chẽ, bổ sung và xây dựng kế hoạch chi tiết trên 9 lĩnh vực: Chính quyền số, quy hoạch đô thị, du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh, thành phố an toàn, y tế thông minh, giáo dục thông minh và môi trường.
Tại buổi làm việc với Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng vào sáng 9/8/2018, Lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị đến Bộ TT&TT tiếp tục hỗ trợ Lâm Đồng xây dựng Chính quyền điện tử, hỗ trợ kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, xã hội hóa đối với các dự án thuộc Đề án “Xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2018- 2025”; Bố trí cho Lâm Đồng kinh phí triển khai Chương trình mục tiêu Công nghệ thông tin theo Nghị quyết 73/CP- NQ ngày 26/8 của Chính phủ;…
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá Sở TT&TT Lâm Đồng là mô hình rất đáng học tập. Bộ trưởng nhấn mạnh: Ngành TT&TT của chúng ta đang đứng trước rất nhiều thách thức. Nếu không chứng minh được giá trị của mình, chúng ta sẽ biến mất, sẽ không còn Sở TT&TT nữa. Bởi vậy, ngành TT&TT nói chung và Sở TT&TT Lâm Đồng nói riêng phải đổi mới, phải đột phá để phát triển. Đảng, Chính phủ, đất nước cũng đang rất kỳ vọng vào chúng ta đổi mới, xứng đáng với tên gọi của mình.
Đối với những kiến nghị, đề xuất của Lâm Đồng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cam kết sẽ ủng hộ, tạo điều kiện, tư vấn cho tỉnh triển khai xây dựng thành phố thông minh. Đồng thời Quyền Bộ trưởng đề nghị Lâm Đồng phải xác định rõ là cần cái gì, và tỉnh nên cho thí điểm mời các doanh nghiệp có tiềm lực để triển khai, khi doanh nghiệp triển khai thành công thì tỉnh sẽ thuê hoặc mua lại… Đồng thời, khi xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh thì Lâm Đồng cần có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp hạt nhân như Viettel, Tập đoàn VNPT, Vingroup và đội ngũ làm CNTT chất lượng cao về với tỉnh, làm việc cho tỉnh… Mặt khác, Lâm Đồng cần có những chính sách đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển internet, mạng di động, 4G cho người dân… để trở thành tỉnh nằm trong top đầu của cả nước.