Năm 2010, Apple cho ra mắt chiếc máy tính bảng đầu tiên được gọi là iPad. Về cơ bản thiết bị này giống như một chiếc iPhone phóng to và không có chức năng gọi điện. Ngay lập tức nó đã thu hút được sự chú ý lớn từ phía người tiêu dùng.

Không chịu thua kém, các nhà sản xuất thiết bị Android cũng bắt đầu tung ra những chiếc máy tính bảng chạy trên nền tảng này. Tuy nhiên máy tính bảng Android gặp rất nhiều vấn đề trong quá trình phát triển và hiện tại gần như đã biến mất trên thị trường.
Khởi đầu phân mảnh
Một trong những chiếc máy tính bảng Android đầu tiên trên thị trường là Galaxy Tab. Máy tính bảng có kích thước 7 inch ra mắt vào cuối năm 2010 và trông giống như phiên bản phóng to của chiếc Galaxy S.
Thời điểm đó, Google gần như không can thiệp mà để cho các OEM tự tùy biến giao diện Android trên máy tính bảng. Chiếc Galaxy Tab được cho ra mắt với nền tảng Android 2.2 và hệ điều hành này không hề được tối ưu để sử dụng cho máy tính bảng.
Giao diện TouchWiz khi đó bị đánh giá khó sử dụng, nặng nề và chậm chạp. Thiết bị này đã tạo ra một cái nhìn không tốt trong mắt người dùng về máy tính bảng Android.

Lich su thang tram cua may tinh bang Android
Galaxy Tab là một trong những chiếc máy tính bảng Android đầu tiên. Ảnh: Samsung.

Sang năm 2011 Amazon đã cho ra mắt thị trường một dòng máy tính bảng khá ấn tượng. Chỉ với mức giá 200 USD, bạn đã có được một chiếc Kindle Fire chạy giao diện tùy biến trên nền tảng Android.
Thiết bị này được tích hợp với nội dung của Amazon như sách, phim và nhạc. Đây không phải là chiếc tablet cao cấp, nhưng những trải nghiệm mà nó đem lại hoàn toàn tốt so với mức giá. Có thể nói máy tính bảng của Amazon đã trở thành sản phẩm Android thành công nhất trong thời điểm đó.
Honeycomb và những nâng cấp nhỏ lẻ
Đầu năm 2011, Google cho ra mắt Android 3.0 Honeycomb. Phiên bản này được tối ưu cho máy tính bảng, thay đổi giao diện người dùng, hỗ trợ thêm cho bộ vi xử lý đa nhân, tăng tốc phần cứng và bàn phím tốt hơn.

Lich su thang tram cua may tinh bang Android
Giao diện sử dụng của hệ điều hành Android 3.0 Honeycomb. Ảnh: Wikipedia.

Điểm hạn chế của Honeycomb là nó chỉ chạy trên máy tính bảng mà không hỗ trợ điện thoại. Chính vì thế, khi đó những chiếc điện thoại vẫn chạy trên nền tảng Android 2.3 GingerBread.

Mặc dù đã rất nỗ lực trong việc xây dựng hệ sinh thái riêng, nhưng các nhà phát triển chỉ tập trung làm ứng dụng trên điện thoại khiến cho những trải nghiệm trên máy tính bảng cực kì tệ.
Khi đó, rất nhiều OEM nỗ lực tham gia vào thị trường sản xuất máy tính bảng, từ những chiếc Galaxy Tab mới tới Asus Transformer TF300. Tuy nhiên, máy tính bảng Android không để lại được nhiều dấu ấn trên thị trường. Chúng có mức giá tương đương nhưng không đem lại trải nghiệm tốt như iPad.
Điện thoại màn hình lớn bùng nổ
Với sự ra mắt của Android 4.1 Jelly Bean 2012, Google đã giới thiệu chiếc máy tính bảng đầu tiên của mình. Nexus 7 chỉ có giá 200 USD và chạy trên phiên bản Android thuần đem lại những trải nghiệm mượt mà. Rất nhanh chóng nó đã trở nên phổ biến trên thị trường.
Tuy nhiên vấn đề bắt đầu xảy ra khi Google đối xử với những chiếc máy tính bảng giống như điện thoại. Trên nền tảng Android 4.1, Google đã tích hợp sử dụng chung kho ứng dụng của máy tính bảng và điện thoại Android làm một.
Điều này giúp những chiếc máy tính bảng có ngay một kho ứng dụng đồ sộ. Tuy nhiên, điểm bất tiện lớn nhất mà nó mang lại là trải nghiệm người dùng.
Các ứng dụng trên điện thoại được đem y nguyên lên máy tính bảng, không được tối ưu lại khiến chúng trông như bị kéo dãn ra, không tận dụng được những điểm mạnh của màn hình to giống như điều mà Apple đã làm trên iPad.

Lich su thang tram cua may tinh bang Android
Galaxy Note 2 là chiếc điện thoại mở đầu cho trào lưu Phablet. Ảnh: Android Authority.

Đặc biệt khoảng thời gian này, điện thoại Android có màn hình lớn bắt đầu được ra đời. Galaxy Note II là chiếc điện thoại đầu tiên có màn hình 5,5 inch. Sau đó, những chiếc điện thoại có màn hình từ 4,7 đến 5 inch cũng bắt đầu nhiều hơn. Người tiêu dùng đã lựa chọn những chiếc điện thoại lớn hơn thay vì chọn mua máy tính bảng Android bởi sự tiện dụng và tối ưu trải nghiệm tốt hơn.
Nexus 9, Pixel C và cái chết của máy tính bảng Android
Google tiếp tục phát triển máy tính bảng trong năm 2014 và 2015. Lúc này chỉ còn một số OEM theo đuổi cuộc chơi như dòng Tab cao cấp của Samsung một số mẫu máy giá rẻ từ Asus.
Google cho ra mắt Nexus 9 có màn hình tỷ lệ 4:3 với hy vọng có thể định hướng lại thị trường máy tính bảng Android. Tuy nhiên, phần cứng được thiết kế không tốt cùng với việc sử dụng con chip Nvidia Tegra K1 khiến cho những trải nghiệm trên chiếc máy tính bảng này càng trở nên tồi tệ.

Lich su thang tram cua may tinh bang Android
Pixel C là chiếc máy tính bảng Android cuối cùng mà Google cho ra mắt tính đến hiện tại. Ảnh: Android Police.

Tiếp đó Pixel C được giới thiệu như một nỗ lực cuối cùng đến từ Google. Thiết bị ban đầu được định hướng sử dụng hệ điều hành Chrome OS, nhưng do nền tảng này chưa được tối ưu cho màn hình cảm ứng nên một lần nữa, nó được chạy Android. Và với mức giá khá cao là 500 USD, nó không thu hút được sự chú ý từ phía người dùng và kể từ đó, Google cũng không phát hành thêm một chiếc máy tính bảng Android nào nữa.
Có thể thấy, hiện tại thị trường máy tính bảng nói chung đã không còn phát triển như trước. Kể cả iPad của Apple cũng bị chững lại, doanh thu giảm dần theo từng năm. Google cũng không tạo ra thêm mẫu máy tính bảng Android nào nữa mà trong tương lai, công ty sẽ hướng tới phát triển những chiếc máy tính mỏng, nhẹ chạy hệ điều hành Chrome OS.

VietBao.vn