Theo một nghiên cứu mới nhất của Gartner công bố hồi tháng 3/2018, tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương có 3 nội dung mà các CIO quan tâm là: Hiệu quả hoạt động – Tăng trưởng và thị phần – Chuyển đổi số.
Cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới, cải tiến quy trình và phương thức hoạt động để giảm thiểu chi phí, tăng doanh thu đem lại hiệu quả cho hoạt động kinh doanh. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số (Digital Transformation) đã thực sự trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết đối với các doanh nghiệp trong kỷ nguyên số cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ. Vậy, các CIO quan tâm những gì trong chuyển đổi số?

Chia sẻ tại sự kiện Azure Summit 2018
diễn ra hôm 24/5/2018 tại TP.HCM, ông Phạm Thế Trường – Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam – cho biết, các CIO ngày nay không chỉ lo về hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp mà họ còn phải quan tâm tới kiến trúc điện toán đám mây (Cloud Architecture).

Cũng theo ông Trường cho biết, nếu như 5 năm trước các doanh nghiệp Việt Nam thường băn khoăn với câu hỏi “làm sao để bảo vệ dữ liệu trên mây?”, thì đến bây giờ các doanh nghiệp đã thấy rõ câu trả lời: “để dữ liệu trên mây an toàn hơn tự giữ rất nhiều”.
Đám mây không chỉ để lưu trữ dữ liệu
Sự kiện Azure Summit 2018 là dịp để Microsoft khẳng định công ty đang đẩy mạnh đầu tư vào điện toán đám mây và công nghệ AI nhằm giúp các doanh nghiệp chuyển mình nhanh chóng trong quá trình chuyển đổi số. Báo cáo của các diễn giả tại sự kiện cho thấy giải pháp điện toán đám mây Microsoft Azure không chỉ là để lưu trữ dữ liệu.
Chẳng hạn, một trong những ứng dụng của Azure đã được Microsoft “đời sống hóa” như sau: một khách hàng khi vừa bước chân vào một cửa hàng thời trang yêu thích, phía bán hàng có thể biết ngay món hàng nào phù hợp và chuẩn bị sẵn mẫu quần áo trong phòng thay đồ mà chắc chắn rằng khách hàng sẽ rất thích. Theo Microsoft, câu chuyện này sẽ không quá xa vời nếu như cửa hàng thời trang sử dụng nền tảng công nghệ điện toán đám mây Microsoft Azure.
Tetra Pak, công ty xử lý và đóng gói thực phẩm có mặt trên hơn 175 quốc gia đã sử dụng Microsoft Azure để tiên đoán trước “sức khỏe” của thiết bị, để từ đó có kế hoạch sản xuất hợp lý. Bằng cách kết nối dây chuyền đóng gói với Microsoft Azure, Tetra Pak thu thập dữ liệu hoạt động của thiết bị, từ đó tiến hành phân tích và dự báo thời điểm nào thiết bị đó cần được bảo hành. Nếu kỹ sư của Tetra Pak hoặc của nhà cung cấp thiết bị không thể ở cận kề những thiết bị cần được kiểm tra hay là sửa chữa, thì với công cụ Microsoft HoloLens, các kỹ sư đó có thể sửa chữa từ xa.
Microsoft cho hay, Azure không chỉ là công cụ lưu trữ dữ liệu mà còn sở hữu hơn 100 dịch vụ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, cải thiện doanh thu và tiết kiệm chi phí. Theo thống kê, 90% các doanh nghiệp trong top Fortune 500 đã lựa chọn Microsoft Azure cho tiến trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Kết quả này có được, theo Microsoft, là nhờ Azure đã được xây dựng và phát triển theo các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn dữ liệu và bảo mật thông tin. Đây là dịch vụ điện toán đám mây đầu tiên tuân thủ các yêu cầu của bộ luật bảo vệ an toàn thông tin chung (GDPR).
AI dựa trên mây
Công nghệ AI không phải là mới, nhưng đang bùng nổ nhờ ba yếu tố cốt lõi điện toán đám mây (cloud), dữ liệu lớn (big data) và các thuật toán máy học (machine learning) đã chín muồi. Đám mây giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của AI, như chia sẻ của ông Phạm Thế Trường: “Không có đám mây các doanh nghiệp sẽ khó thực hiện lưu trữ dữ liệu với quy mô lớn. Không có dữ liệu lớn, những công nghệ như AI/ Cognitive/ Robotics sẽ không thể thực hiện được”.
Nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang tích cực đầu tư vào AI gắn liền với công cuộc chuyển đổi số. Theo nghiên cứu chuyển đổi số khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2018 do Microsoft phối hợp với IDC thực hiện, các doanh nghiệp tiên phong trong cuộc đua chuyển đổi số nhận định rằng, điện toán đám mây chính là công nghệ nền tảng mà các doanh nghiệp cần đầu tư, nhằm tạo dựng những lợi thế cạnh tranh với đối thủ của mình. Điện toán đám mây chính là nền tảng để phát triển những công nghệ vượt trội như AI.
Tại sự kiện Azure Summit 2018, các chuyên gia công nghệ cũng như CIO của các doanh nghiệp tại Việt Nam đã có dịp trải nghiệm thú vị với ứng dụng trí tuệ nhân tạo của Microsoft trên nền tảng đám mây Azure. Ông Phạm Anh Vũ – chuyên gia công nghệ của Microsoft – đã trình diễn công nghệ AI bằng một chiếc camera nối với máy tính. Một khi camera quét khuôn mặt khách tham quan là đưa ra ngay thông tin độ tuổi, giới tính của người thử nghiệm.

Ông Phạm Anh Vũ – chuyên gia công nghệ của Microsoft – trình diễn công nghệ AI tại sự kiện Azure Summit 2018.

Thực tế thử nghiệm cho thấy kết quả về độ tuổi chưa thật chính xác. Nhưng ông Vũ cho biết ứng dụng có khả năng tự học với các thuật toán machine learning để điều chỉnh nhận dạng con người theo từng khu vực trên thế giới, khi đó sẽ có kết quả chính xác cao hơn.

Ông Vũ chia sẻ, Microsoft đã triển khai giải pháp cho một số khách hàng tại một số sân bay giúp phân biệt các đối tượng trong đám đông thông qua nhận diện khuôn mặt. Ứng dụng thậm chí có thể được dùng để làm thủ tục check in cho khách với thời gian chỉ mất vài giây.
Một ứng dụng miễn phí mang tên Seeing AI được Microsoft giới thiệu là giúp người khiếm thị có thể “nhìn thấy” những gì diễn ra xung quanh mình. Ứng dụng này sử dụng công nghệ AI để phân tích, nhận dạng cảm xúc, mã vạch đến chữ viết tay, sau đó đọc kết quả cho người khiếm thị.
Seeing AI mới chỉ được cung cấp trên App Store cho các thiết bị iOS, và hiện đã có mặt tại 56 nước, chưa có ở Việt Nam.