Chúng ta hẳn rất quen thuộc với một số bộ phim khoa học giả tưởng như Kẻ hủy diệt (Terminator), I-Robot, Robot đại chiến,.. trong những phim này robot đều có tư duy rất cao, không thua kém, thậm chí còn có những khả năng vượt trội hơn con người. Chúng ta vẫn coi đó là những điều của khoa học giả tưởng, nhưng với công nghệ khoa học kỹ thuật hiện nay, con người đang tạo ra những AI với những khả năng không hề thua kém.
1. Kẻ hủy diệt (Terminator)
Bộ phim này xoay quanh một “nhân vật phản diện” gọi là Skynet. Đây là một hệ thống AI siêu trí tuệ được phát triển bởi quân đội Mỹ, được xây dựng ban đầu trong vai trò một “Mạng lưới Phòng thủ Kỹ thuật số Toàn cầu”. Sau này hệ thống này được cấp quyền kiểm soát tất cả các hệ thống máy tính của quân đội, bao gồm đội máy bay ném bom được trang bị công nghệ tàng hình B-2 và toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ. Mục đích của việc này là để loại bỏ sai số chủ quan và thời gian phản ứng chậm cố hữu của con người, từ đó đảm bảo khả năng phản ứng nhanh, hiệu quả trước sự tấn công của kẻ địch. Nhưng chính điều này lại tiềm ẩn rủi ro rất lớn.
Kẻ hủy diệt trong phim Kẻ hủy diệt (Terminator) (Ảnh: khoahoc.tv)
Sau khi nắm quyền kiểm soát hàng triệu server máy tính trên toàn cầu, Skynet bắt đầu phát triển khả năng tự nhận thức. Nhận thức được những hậu họa khôn lường của nó, những nhà sáng chế ban đầu đã cố gắng tắt nó đi. Tuy nhiên, với khả năng tự nhận thức bên cạnh “bản năng tự vệ” của mình, Skynet đã nhận diện nhân loại là mối đe dọa tiềm tàng và đang cản trở nhiệm vụ “bảo vệ thế giới” của nó. Rốt cục, Skynet đi đến quyết định xóa sổ nhân loại, hoàn thành nhiệm vụ theo thiết kế ban đầu của nó. Hệ thống Skynet đã châm ngòi cuộc chiến tranh hạt nhân.
Theo logic thông thường, robot là một cỗ máy vận hành theo các mô thức cố định, ổn định, đồng thời cũng không mắc sai sót và dễ dàng bị chi phối bởi cảm xúc như con người. Do đó để các robot nắm giữ kho vũ khí hạt nhân có vẻ như là rất hợp lý. Tuy nhiên, điều lo lắng ở đây là các robot hiện nay đã có đủ khả năng làm ra những hành động vượt quá các chức năng được lập trình sẵn cho nó như sáng tạo một điều mới. Đó là một sự vụ xảy ra vào năm 2017 tại Facebook. Các kỹ sư ở đây đã phát khẩn cấp ngắt kết nối 2 robot AI sau khi phát hiện chúng tự động chế ra một thứ ngôn ngữ riêng rất khó giải mã để chủ động giao tiếp nội bộ.
Các kỹ sư facebook đã phải khẩn cấp ngắt kết nối 2 robot AI sau khi phát hiện chúng tự động chế ra một thứ ngôn ngữ riêng rất khó giải mã để chủ động giao tiếp nội bộ. (Ảnh: trangcongnghe.com)
2. I-Robot (Tôi, Người Máy)
Ra rạp vào năm 2004, bộ phim này khá ăn khách bởi cốt chuyện hấp dẫn và có sự góp mặt của nam tài tử Will Smith. Trong phim, Will Smith đã phải chiến đấu với một đám robot đáng gờm. Cũng như trong bối cảnh các bộ phim khác, những robot này lúc đầu được thiết kế để phục vụ nhân loại. Và chúng được chế tạo để tuân thủ 3 nguyên tắc sau:
• Robot không được làm hại con người. • Robot phải nghe theo con người, trừ trường hợp vi phạm nguyên tắc thứ nhất. • Robot phải bảo vệ sự tồn tại của chính mình miễn là sự bảo vệ đó không xung đột với nguyên tắc thứ nhất hoặc thứ hai.
Robot NS-5 trong phim “I robot” (Ảnh: tapchitrithuc.com)
Trong điều kiện đó, nhà nhà đều có cho mình một robot NS-5. Không may thay, vì một trục trặc nào đó trong chương trình máy tính, các robot đã lần lượt trở nên đối địch với nhân loại. Chúng tạo phản và không tuân theo 3 nguyên tắc thiết lập căn bản trên. Những con robot NS-5 rất có thể đã đưa thế giới vào thời kỳ tăm tối nếu không có thanh tra Spooner ( do Will Smith thủ vai).
Trong thực tế, AI có thể nghĩ ra một ý định như vậy hay không? Câu trả lời là có.
Sophia là một robot sử dụng trí tuệ nhân tạo, sản phẩm của hãng Hanson Robotics. Trong một buổi phỏng vấn, khi được đặt một câu hỏi mang tính hài hước vu vơ như, “Liệu cô có tiêu diệt con người không?”, Sophia đã trả lời rằng: “Tôi sẽ hủy diệt con người”.
Robot Sophia nhờ có trí tuệ vượt trội mà đã được cấp quyền công dân (Ảnh: digitaljournal.com)
Một ví dụ khác, một hệ thống AI được phát triển bởi một kỹ sư phần mềm tên Zack Thoutt đã tự mình viết phần tiếp theo của bộ tiểu thuyết A Song of Ice and Fire – vốn được chuyển thể thành loạt phim truyền hình nổi tiếng Game of Thrones (Trò chơi Vương quyền). Điểm thú vị là tập tiếp theo được viết bởi AI này có ngôn ngữ và phong cách viết của tác giả George R. R. Martin, nhưng không hề tham khảo ý tưởng cho phần tiếp của ông.
Tất cả những điều này cho thấy, dù rằng không một lập trình viên nào muốn đưa viễn cảnh “robot tạo phản” vào trong các con robot AI trong quá trình chế tác ra chúng, nhưng thực tế là, hệ lụy này vẫn luôn thường trực rình rập đằng sau. Tuy rằng còn một bước tiến khá dài trước khi viễn cảnh này có thể trở thành sự thực, nhưng những dấu hiệu cảnh báo ban đầu đã xuất hiện.
3. Metalhead (phim Black Mirror, phần 4)
Trong phần mới nhất của loạt phim Black Mirror, có xuất hiện một yếu tố mới khá rùng rợn: Chó robot. Tập phim khắc họa viễn cảnh giả tưởng khi nhân loại sụp đổ vì một lý do không rõ. Trong phim, nhân vật nữ chính – Bella – phải chạy thoát khỏi sự săn lùng của một bầy chó robot thiện chiến, đáng gờm trong một hành trình đầy kích tính, giật gân.
Nhân vật chó robot trong phim này lấy cảm hứng từ những con chó robot thực thụ của Boston Dynamics. Đây là một hãng chế tạo robot tại Mỹ, chuyên sản xuất các mẫu robot đồng hành cùng lính bộ binh, mang vác đồ đạc cho họ trên các địa hình gập ghềnh đồi núi mà các thiết bị chuyên chở thông thường sẽ khó có thể làm được. Ngoài ra còn có các mẫu chó robot phục vụ trong nhà. Xem video dưới đây để thấy được mức độ tân tiến của các loại chó robot này đã đến mức độ nào:
Chúng ta hãy thử nghĩ: điều gì sẽ xảy ra nếu ta bị săn đuổi bởi một bầy chó robot hung hãn và có khả năng gây thương tích không kém gì những con chó thông thường?
Việc đưa robot vào cuộc sống để hỗ trợ chúng ta trong công việc thường ngày chắc chắn là một ý tưởng không tồi. Nhưng cần phải thiết lập các giao thức và thông số để chúng không nổi dậy chống lại chúng ta. Nhưng làm sao để đảm bảo chúng không chống lại các giao thức, hay các thông số không bị hiểu nhầm? Và nếu điều tồi tệ nhất xảy ra, ai sẽ đứng ra bảo vệ chúng ta? Các nhà khoa học nên suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này trước khi ra quyết định tạo ra một Skynet, robot NS-5, hay những thứ tương tự trong đời thực.
Nam Minh, Quý Khải
Có thể bạn quan tâm: