Bỏ qua những lời dự báo bi quan cái chết của các trình duyệt sẽ đến trong tương lai, cho tới hiện tại, đây vẫn là cách đơn giản và phổ biến nhất để người dùng tương tác với thế giới web. Trước đây, cuộc chiến trình duyệt đều xoay quanh các thước đo hiệu suất đơn giản: tốc độ mở các trang web giữa các trình duyệt, khả năng quản lý tài nguyên và hiển thị mọi thứ một cách chính xác. Giờ đây, từ sau vụ bê bối Cambridge Analytica và đạo luật về theo dõi quảng cáo GDPR đi vào hiện thực, tốc độ truy cập vào hòm thư điện tử của bạn có thể không còn là mối quan tâm chính nữa. Trên đường đua tốc độ lướt web, cho đến nay vẫn khó có ai có thể bì lại được với Chrome, thêm vào đó là khả năng đồng bộ với các tài khoản Google và cỗ máy tìm kiếm Google Search để làm nên một hệ sinh thái vững chắc củng cố cho sự thống trị của mình. Nhưng khi mối quan tâm của người dùng về tính riêng tư và bảo mật gia tăng, thì đây lại chính là điểm trừ đáng kể của Chrome. Nếu bạn lo ngại về tính riêng tư cho mình, có lẽ giờ chính là lúc thích hợp để chuyển sang Firefox.

Trong khi trình duyệt Chrome thuộc về Google, một công ty có mô hình doanh thu dựa vào bán quảng cáo và cho phép các công ty khác bám theo các hoạt động của người dùng khi trực tuyến, Firefox được điều hành bởi Mozilla, một tổ chức phi lợi nhuận được lập ra với tôn chỉ mang lại một internet “lành mạnh” cho mọi người. Nhiệm vụ của họ là giúp xây dựng một internet như một mã nguồn mở để mọi người đều có thể truy cập – cũng là nơi làm nên tính riêng tư và bảo mật của người dùng. Do vậy, chính sách riêng tư của Firefox trái ngược so với Chrome. Với mô hình doanh thu của Google, không lạ khi Chrome tuyên bố cho phép các website bên thứ ba truy cập vào địa chỉ IP của bạn và bất kỳ thông tin nào bằng cách sử dụng cookies. Cho dù bản thân Mozilla là một tổ chức phi lợi nhuận, Firefox lại được phát triển trong một công ty do tổ chức này sở hữu. Điều này cho phép Mozilla Corporation tìm kiếm doanh thu để đảm bảo phát triển Firefox và các dịch vụ internet khác. Mô hình của họ khác hẳn Google. Mozilla thỏa thuận với engine tìm kiếm trên khắp thế giới – bao gồm cả Google – để biến họ thành công cụ tìm kiếm mặc định ở một số địa điểm cụ thể. Ví dụ như công cụ tìm kiếm Baidu ở Trung Quốc. Chính vì nguồn thu dựa vào các thỏa thuận này thay vì bán quảng cáo, Firefox không có nhu cầu tìm kiếm và thu thập dữ liệu người dùng như Google.

Không chỉ vậy, tính năng Tracking Protection của Firefox còn bảo vệ người dùng tránh bị theo dõi bởi các mạng lưới quảng cáo trên khắp những website, đồng thời sẽ giúp các trang web tải nhanh hơn. “Khi bạn chuyển từ website này sang website khác, các mạng lưới quảng cáo vẫn bám theo bạn vì vậy, họ có thể thấy những gì bạn đang làm để họ có thể đưa đến những quảng cáo nhắm tới bạn.” Peter Dolanjski, giám đốc sản phẩm Firefox, cho biết. Thậm chí sau cơn bão bê bối về Facebook và Cambridge Analytica, Firefox còn phát hành một extension có tên Facebook Container, dành riêng cho việc truy cập mạng xã hội này. Extension này cho phép bạn lướt Facebook hay Instagram như bình thường, nhưng ngăn chặn Facebook không theo dấu bạn khi bạn truy cập vào trang web khác, và vì vậy, công ty sẽ không thể sử dụng thông tin đó để xây dựng nên hồ sơ riêng về cá nhân bạn. Rõ ràng động lực lợi nhuận và mô hình kinh doanh khác biệt giữa hai công ty đã làm cho các trình duyệt mà họ tạo ra có các khác biệt cơ bản về chính sách riêng tư đối với người dùng. Với Google, mô hình của họ dựa vào việc sử dụng dữ liệu người dùng để có doanh thu, một sự khác biệt cơ bản với loại internet mà Firefox đang nỗ lực xây dựng. Firefox không phải lúc nào cũng hoạt động tốt hơn Chrome – đôi khi nó còn bị đơ cứng trên những máy tính cũ có cấu hình thấp và bạn phải thường xuyên xóa lịch sử duyệt web và cache của trình duyệt để nó không làm chậm máy tính. Nhưng đánh đổi những bất tiện này với sự an tâm về tính riêng tư của mình có lẽ là một điều hợp lý, đặc biệt là khi các dữ liệu này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc ra quyết định hàng ngày của mỗi người. Tham khảo Fastcompany, Digg