Hôm qua, 14/8 đội tuyển Olympic Việt Nam có chiến thắng ở trận ra quân môn bóng đá nam ASIAD 2018, tỷ số 3-0 trước Olympic Pakistan có thể khiến người hâm mộ nước nhà hài lòng và thêm tin tưởng vào thành công của đội tuyển ở giải đấu này. Nhưng có một cảm giác khó lý giải đang được nói đến, đó là việc tất cả người hâm mộ bóng đá Việt Nam hôm qua đều phải xem chui, không có bản quyền.
Do Việt Nam không có bản quyền truyền hình ASIAD 2018 nên tất cả đều phải tìm các địa chỉ trôi nổi trên mạng có phát trực tiếp trận đấu của Olympic Việt Nam, từ trên các trang web cho đến Facebook, YouTube, và các app… Khi xem bóng đá như thế, chất lượng hình ảnh, âm thanh, đường truyền không hề đảm bảo, thêm vào đó là cảm giác như… đi ăn trộm, nhưng người hâm mộ lại không có lựa chon nào khác.

Nguoi ham mo Viet Nam len mang ke ve trai nghiem dang long khi xem ASIAD
Người hâm mộ bóng đá Việt Nam phải xem trận đấu của đội tuyển Olympic trên mạng có nghĩa là chất lượng hình ảnh, âm thanh, đường truyền không hề đảm bảo. Nguồn ảnh: tài khoản Facebook N.T.

“Khổ, tưởng thời đại kết nối vạn vật với 4.0 ngon hơn tivi ngày trước chứ…” – một thành viên cư dân mạng than trời vì cảnh xem bóng đá hôm qua. Đó dường như cũng là cảm nhận chung của nhiều người về sự thật có vẻ ngược đời này. Để diễn tả cảm xúc này, một thành viên cao tuổi trên mạng với nghệ danh VNT còn sáng tác được một bài thơ dài:
“ASIAD 18
Bóng đá U23
Cả Châu Á theo dõi
Chỉ trừ Việt Nam ta!?

Thương thay cho lớp trẻ
Rèn luyện rất chuyên cần
Được dịp đem thi thố
Gửi về tặng người thân.

Thôi đành mò trên mạng
Cũng an ủi đôi phần
Trận đầu thắng vang dội
Việt Nam thắng 3-0”
Trong khi đó một nhà báo cũng kể về “trải nghiệm” xem Olympic Việt Nam của mình khiến người ta phải suy nghĩ: “Chiều qua 14/8, cũng như rất nhiều fan ham mộ bóng đá khác, cha con tôi háo hức với trận đầu ra quân của đội Olympic Việt Nam tại ASIAD 2018. Từ mấy ngày trước, thằng con tôi đã đi ra đi vô than thở khi nghe nói VTV không mua bản quyền ASIAD 2018 thì sẽ không được coi thủ môn Bùi Tiến Dũng, Quang Hải, Xuân Trường… thi đấu. Thương con quá mà không biết phải làm sao”.
Nhà báo này kể tiếp: “May là chiều qua đứa em ở quán café mò được trên mạng kênh xoilac.xx có phát “chui” trận Olympic Việt Nam – Pakistan nên gọi tôi chở con tới coi. Nhưng khi có quá nhiều người cùng truy cập vào xem thì tín hiệu hay bị ngắt quãng, nhiều khi “đứng bánh” khá lâu. Thế là tôi cũng như nhiều người khác ngồi ở đó phải dùng điện thoại di động mò mẫm những kênh phát “chui” khác, và đều là các kênh của nước ngoài”.
Nhưng đắng lòng nhất là đoạn chia sẻ: “Tôi đi làm kiếm cơm, có đóng thuế hẳn hoi. Trước đây nhà tôi xem truyền hình cáp Sông Thu rồi VTV Cab, sau này chuyển qua FPT, đều là truyền hình trả tiền chứ chẳng được miễn phí đồng nào. Vậy tại sao chỉ vì muốn xem đội U23 Việt Nam tranh tài ở sân chơi Olympic châu lục mà cha con tôi phải trở thành kẻ tiêu thụ sóng truyền hình ăn cắp? Vì sao tôi phải trở thành kẻ ăn cắp trong mắt con trai tôi?”.
Nhìn chung những dòng thơ hay tâm thư trên phản ánh khá chân thật tâm thế người hâm mộ Việt Nam dù câu chuyện không có bản quyền ASIAD 2018 vẫn cần làm rõ hơn nguyên nhân. VTV đã sớm bỏ cuộc trong đàm phán bản quyền ASIAD 2018, và các đơn vị truyền hình khác cũng không thể sở hữu bản quyền ASIAD ở Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Châu Á cho đến thời điểm này chưa có bản quyền phát sóng ASIAD; cũng vì lý do đó, Ủy ban Olympic Việt Nam từ chối cấp thẻ phóng viên tác nghiệp cho các đài truyền hình Việt Nam, sau khi nhận được thông báo từ Ban tổ chức nước chủ nhà Indonesia về vấn đề bản quyền; chỉ có các thẻ tác nghiệp cấp cho phóng viên ảnh, phóng viên báo viết tại sự kiện ASIAD.
Anh Hào (Tổng hợp)

VietBao.vn