Lúc bấy giờ, những sáng chế, cỗ máy điện tử được phát minh từ thập niên 50, 60 đã trở thành sản phẩm và lấp đầy các kệ hàng, cũng như catalog. Nó khiến cho những triển lãm điện tử như CES thậm chí phải tổ chức 2 lần mỗi năm trong bối cảnh bùng nổ những thiết bị điện tử “xâm chiếm” cuộc sống của con người. Cùng nhìn lại những công nghệ đột phá góp phần làm thay đổi thế giới trong thập niên 70.
Đĩa mềm
Đĩa mềm với 3 loại kích thước khác nhau, trong đó loại 3½-inch là phổ biến nhất với người dùng máy tính Việt Nam.
Đĩa mềm (Floppy Disk) là một công nghệ đã lỗi thời từ rất lâu, nhưng những di sản của nó để lại là rất lớn. Hãy để ý trong trình soạn thảo văn bản Microsoft Word, tất cả tài liệu đều được lưu lại bằng cách nhấp vào biểu tượng chiếc đĩa mềm ở góc bên trái. Điều này đủ cho thấy tầm quan trọng của chiếc đĩa mềm, khi một vật đã trở thành biểu tượng dù nó không còn được sử dụng nữa.
Mặc dù chỉ có dung lượng lưu trữ tối đa là 1,44 MB, nhưng đĩa mềm từng là công cụ duy nhất cho phép lưu trữ dữ liệu để chuyển từ người này sang người khác, từ máy tính này sang máy tính khác khi chưa có USB hay đĩa CD, và cũng chưa có sự giúp sức của Internet.
Đĩa mềm lần đầu tiên được IBM giới thiệu dưới mặt ý tưởng vào những năm 1960, và lần đầu tiên được thương mại hóa thành công vào những năm đầu 1970 bởi IBM và Memorex. Thế hệ đầu này được đặt tên là “Diskette 1”, với kích thước đường kính 8-inch và bộ nhớ chỉ 1,2 MB.
Sau đó, iBM tiếp tục nghiên cứu và cho ra mắt các loại đĩa mềm 5,25-inch, và loại 3½-inch nổi tiếng mà chúng ta vẫn thường biết đến với kích thước bộ nhớ nâng lên thành 1,44 MB.
Nhiều thiết bị lưu trữ hiệu quả hơn đã xuất hiện cùng với sự phát triển của công nghệ và nhu cầu lưu trữ dữ liệu, cho phép nâng mức dung lượng lên hàng GB, thậm chí TB.
Doanh số ổ đĩa mềm đạt đỉnh điểm vào những năm 1990, và sau đó, nó dần dần bị bỏ quên khi thị trường công nghệ thông tin bước sang thời kỳ sử dụng ổ đĩa CD-ROM. Cùng với sự phát triển của công nghệ và nhu cầu lưu trữ dữ liệu, thị trường bắt đầu xuất hiện những giải pháp thay thế hữu hiệu hơn như USB, hay ổ cứng di động. Tuy nhiên tất cả những thiết bị này có thể sẽ không xuất hiện nếu như không có chiếc đĩa mềm đóng vai trò lĩnh xướng “tiên phong”.
Băng cassette
Băng cassette (dân ta hay gọi là cát-sét), cũng như máy cassette là kỷ niệm không thể quên, và gắn liền với nhiều thế hệ người dùng từ 8x, 7x trở về trước.
Băng cassette lần đầu tiên được phát minh bởi Philips Electronics – một tập đoàn điện tử của Hà Lan, dành riêng cho việc lưu trữ âm thanh. Băng cassette có 2 dạng: một là đã chứa nội dung được ghi từ trước, hai là chưa ghi nội dung nào – hay còn gọi là “băng trắng”.
Cassette đóng một vai trò quan trọng trong việc ghi âm và truyền bá âm nhạc. Ra đời sau băng cối (ở Việt Nam còn gọi là băng Akai) và đĩa nhựa, dù chất lượng âm thanh không bằng nhưng băng cassette được ứng dụng nhiều trong công nghệ thu-phát âm thanh và đạt được mức phổ biến cao hơn vì tiện lợi, nhỏ gọn và giá thành rẻ.
Sự tác động lớn nhất của băng cassette hay những máy cassette di động mang lại đó là làm chúng ta thay đổi cách nghe nhạc. Trước đây, mọi người thường nghe nhạc bằng các thiết bị âm thanh đặt tại nhà, hoặc trên xe hơi, nhưng những chiếc Sony Walkman đã làm thay đổi tất cả, cho phép chúng ta bước xuống đường nhưng vẫn có thể thưởng thức âm nhạc bằng tai nghe ở mọi lúc, mọi nơi.
Từ những năm 90, cùng với việc phát triển kỹ thuật số và sự ra đời những kỹ thuật ghi âm, ghi hình tân kỳ hơn, như dùng đĩa CD, DVD, do đó Cassette đã không còn được ưa chuộng nữa và dần dần chìm vào quên lãng.
Tuy nhiên hầu như tất cả những thiết bị di động hiện nay, điển hình như chiếc smartphone đều mang theo dáng dấp của một máy nghe nhạc Walkman – ở cái cách mà chúng ta mang nó theo bên mình.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng máy nghe nhạc Walkman chính là công nghệ di động đầu tiên trên thế giới cho thấy bước chuyển dịch sang các thiết bị nhỏ hơn, hiện đại hơn mà chúng ta được biết đến ngày nay.
Máy tính “tất cả trong một”
Lịch sử tiến bộ của công nghệ máy tính đã được ghi nhận trong suốt nhiều thập kỷ, nhưng máy tính cá nhân hay “máy vi tính” đã không có được sự bùng nổ thực sự cho đến những năm 1970.
Cần nhớ rằng những máy tính đời đầu tiên chiếm không gian của cả một căn phòng, còn chiếc máy tính mini – dù có kích thước được làm nhỏ gọn đáng kể, cũng thường lắp vào một hoặc vài kệ to cỡ tủ lạnh. Trong khi đó, máy tính “tất cả trong một” đánh dấu một bước chuyển dịch lớn khi chỉ nhỏ gọn với kích thước của một lò vi sóng, và có thể đặt gọn gàng trên mặt bàn.
Apple I – Chiếc máy tính “tất cả trong một” đầu tiên trên thế giới do Apple sản xuất, được lắp ráp và xây dựng ý tưởng trong một nhà để xe của CEO Steve Wozniak, dựa trên những kiến thức mà ông đã học và thử nghiệm tạo CLB Máy tính Homebrewer, California.
Apple I bán được 200 chiếc vào năm 1976, mở ra cuộc cách mạng cho nhiều mẫu máy tính cá nhân khác như Commodore PET, TRS-80, IBM 5150,… Tới nay, máy tính cá nhân dù vẫn đóng một vai trò quan trọng, nhưng đang dần bị thay thế bởi máy tính xách tay và các thiết bị di động do tính tiện lợi, cơ động mà chúng mang lại.
Để đạt tới công nghệ như hiện nay, máy tính đã trải qua một cuộc cách mạng và chuyển dịch kéo dài nhiều thập kỷ.
Sự tác động rõ nhất của máy tính cá nhân mang lại đó là làm thay đổi quan niệm “sở hữu máy tính” của từng người dân, khiến nó trở thành thiết bị mà tất cả các gia đình từ bậc trung lưu trở lên đều muốn có trong ngôi nhà của họ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tầm nhìn này có thể sẽ không trở thành hiện thực nếu như không có sự tham gia mạnh mẽ của những thương hiệu như IBM Personal Computer, Macintosh – với vai trò là nhà cung cấp phần cứng; hay Microsoft – với vai trò là nhà cung cấp phần mềm với nền tảng giao diện Windows, đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo dựng những sản phẩm thân thiện, dễ mua, dễ sử dụng.
(Còn tiếp)
Nguyễn Nguyễn