Nhân sự kiện Innovation Roadshow tại Hà Nội, Nokia vừa giới thiệu hệ sinh thái 5G hoàn chỉnh và mạnh mẽ của họ với mong muốn giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu trong phát triển thương mại, xã hội và công nghiệp.
Nokia cho biết, họ luôn xem Việt Nam là thị trường trọng điểm, tại đây Nokia cam kết và mong muốn đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy tương lai số, song song với việc cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam với các công nghệ tiên tiến của mình.
Bà Nguyễn Kim Dung, Tổng Giám Đốc Nokia Việt Nam
Nokia dự kiến các giải pháp 5G của họ sẽ bắt đầu được thử nghiệm tại Việt Nam vào năm 2020 và triển khai thực tế vào năm 2021.
Trả lời câu hỏi về việc bàn về 5G hiện tại có quá sớm hay không khi Việt Nam vẫn còn đang chập chững ở giai đoạn đầu của 4G, đại diện Nokia cho biết, Việt Nam nên triển khai, thử nghiệm dần công nghệ 5G từng bước một, để sẵn sàng sử dụng trong tương lai, không nên chờ đợi công nghệ này chín muồi mới bắt tay vào thử nghiệm thì lúc đó đã quá muộn.
Mạng lõi 5G
Với mạng lõi 5G dựa trên công nghệ điện toán đám mây (cloud-native) của Nokia, các nhà cung cấp dịch vụ có thể triển khai mạng 5G một cách linh hoạt, độ tin cậy cao, bảo mật và vận hành đơn giản. Phần trình diễn của Nokia giới thiệu một giải pháp y tế thông minh ấn tượng.
Theo đó, khi một xe cứu thương đang chở bệnh nhân trên đường sẽ liên tục được kết nối với các mạng lõi 5G xung quanh. Toàn bộ thông tin, hình ảnh về bệnh nhân, các chẩn đoán, dấu hiệu lâm sàng ban đầu sẽ được gửi ngay về bệnh viện để các bác sỹ ở đó có thể sẵn sàng ứng cứu, tiết kiệm thời gian.
Thậm chí, xe cứu thương cũng được kết nối cả với trung tâm điều phối giao thông để phát hiện các con đường đang ùn tắc, từ đó tìm ra lộ trình thích hợp để đưa bệnh nhân tới bệnh viện một cách nhanh chóng nhất.
Một ví dụ khác là khi có tai nạn giao thông xảy ra, toàn bộ các camera giao thông xung quanh sẽ lập tức gửi ngay cảnh báo về trung tâm ứng cứu khẩn cấp của thành phố. Các xe cứu thương, xe cảnh sát sẽ được điều phối đến hiện trường để xử lý tai nạn, ứng cứu cho các nạn nhân, điều phối giao thông nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại gây ra.
Mạng siêu nhỏ gọn (Ultra Compact Network)
Mạng siêu nhỏ gọn của Nokia là một mạng LTE hoàn chỉnh bao gồm tổng đài radio, mạng lõi, và các ứng dụng, có thể được triển khai trong vòng vài phút để cung cấp các dịch vụ thoại, video và dữ liệu băng rộng. Đây là một mạng độc lập có thể phủ sóng cho các khu vực ở xa hoặc đang bị tắc nghẽn, cho phép người dùng có kết nối băng rộng ngay lập tức, và cũng có thể dùng như mạng dự phòng trong trường hợp rớt mạng, ví dụ khi xảy ra tai nạn hoặc thiên tai.
Nokia đưa ra một ví dụ điển hình là khi có động đất, lũ lụt, toàn bộ cơ sở hạ tầng mạng của khu vực như các trạm BTS, cáp quang, cáp đồng đều bị hư hỏng nặng, không thể truy cập. Lúc này, đội ứng cứu có thể triển khai một mạng siêu nhỏ gọn (Ultra Compact Network) để kết nối các nhân viên cứu hộ với nhau, liên tục trao đổi hình ảnh, âm thanh về hiện trường. Thậm chí, các drone cứu hộ có thể liên tục gửi video thu được về toàn cảnh hiện trường để đội cứu hộ dễ dàng nắm bắt, tìm kiếm nạn nhân nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Mạng siêu nhỏ gọn sẽ sử dụng kết nối vệ tinh hoặc bất kỳ kết nối nào có thể tại hiện trường để triển khai, tầm phủ sóng của mạng có thể lên tới 2 tới 3 Km tùy vào thực địa. Đây là một dạng thức nhỏ nhất của hệ thống LTE nhỏ gọn và dễ dàng triển khai của Nokia, được sử dụng cho các tác vụ truyền thông trọng yếu.
Mạng không dây cố định (Fixed Wireless Access)
Đây là giải pháp linh động và tiết kiệm chi phí để hỗ trợ cho việc triển khai mạng cáp quang tại vùng sâu vùng xa, những nơi có địa hình bất lợi khó có thể thực hiện việc kéo cáp.
Giải pháp sử dụng công nghệ hoàn toàn mới là mạng quang thụ động không dây (Wireless PON) với chuẩn không dây 802.11ad 60Ghz để kết nối người sử dụng với dịch vụ mạng qua một hệ thống tích hợp. Mỗi một router không dây sẽ có tầm phủ sóng khoảng 100 mét, và có thể tạo thành các trạm lặp với tốc độ tối đa lên đến 1Gbps. Người sử dụng chỉ cần lắp thêm các modem WiFi chuyên dụng của Nokia với kích thước nhỏ gọn, đăng ký dịch vụ mạng với nhà cung cấp là có thể sử dụng ngay mạng không dây tốc độ cao chuẩn cáp quang.
Wi-Fi dạng lưới (meshed) và dữ liệu gia đình (home insight)
Một giải khác của Nokia nhằm mang Wi-Fi dung lượng cao đến với từng căn phòng trong nhà, giúp việc cung cấp và sử dụng Wi-Fi trở nên đơn giản hơn cho cả nhà cung cấp lẫn người dùng đầu cuối. Một router WiFi thông minh sẽ đảm nhận vai trò trung tâm với chức năng như chuyển vùng phủ sóng mà không bị gián đoạn, chứng thực vân tay để truy nhập trong mạng gia đình, và các ứng dụng di động dành cho người dùng đầu cuối.
Thành Đạt