Trong hơn 30 năm qua, núi lửa Kilauea gần như liên tục phun trào, nhưng lại không phải là núi lửa điển hình dạng nổ tung ra đám mây chứa tro và tuôn trào dung nham như mọi người thường hình dung về núi lửa.
Thay vào đó, Kilauea hoạt động dạng phun trào mang theo dòng mắc-ma chảy theo các mạch ngầm sau đó trồi lên và phun trào qua các kẽ nứt của trái đất. Sau khi trào lên mặt đất, nó được gọi là dung nham và chảy từ từ lan rộng dần, thường là tràn xuống sườn dốc của núi.
Tuy nhiên, Kilauea có thể gây ra những sự kiện khủng khiếp hơn do sự phun trào mắc-ma dạng giếng, hiện tượng này xảy ra khi mắc-ma nóng chảy kết hợp với nước gây ra nổ và bắn tung tro bụi cùng các tảng đá lên không trung.
Hỗn hợp nước trộn magma cực kì nguy hiểm
Các nhà nghiên cứu núi lửa tin rằng các vụ nổ như vậy xảy ra khi một hồ dung nham – một lượng lớn dung nham nóng chảy thường chứa trong một miệng phun núi lửa – đổ xuống và nước ngầm có thể thấm vào các ống dung nham. Nước bị đun sôi ngay lập tức và liên tục không ngừng khi nó tiếp xúc với mắc-ma, tạo thành một hỗn hợp khủng khiếp chứa cả hai dạng vật chất đó.
Đồng thời, nếu đá và các trầm tích khác rơi vào trong làm tắc nghẽn luồng hơi đang được tạo ra sẽ sinh ra áp suất cực lớn, và cuối cùng là được giải phóng thành một vụ nổ, bật tung lên không trung vô cùng nhiều hơi nóng cùng với đá, các loại khí và tro bụi núi lửa.
Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kì (USGS) đã tuyên bố báo động da cam hôm thứ Tư vừa qua, cảnh báo rằng dòng dung nham chảy liên tục từ miệng Kilauea đã “nâng nguy cơ nổ phun trào trong những tuần tới”. Trong mấy ngày qua đã có những vụ nổ như vậy ở qui mô nhỏ.
Bà Jessica Johnson, nhà nghiên cứu núi lửa thuộc Trường đại học Đông Anglia, nước Anh, nói rằng “Quan sát thực tế cho thấy có nhiều luồng khí xâm nhập vào dòng dung nham và chính vì thế đã có những vụ nổ nhỏ xảy ra. Nó tương tự như khi bạn thả vài viên kẹo bạc hà Mentos vào một chai cô-ca thì nó sẽ sủi bọt. Các vụ nổ đã xảy ra mới chỉ ở qui mô nhỏ.”
Trong lịch sử, Kilauea đã từng có những lần phun trào gây nổ tương tự. Đợt nổ lớn gần đây nhất là vào năm 1924, kéo dài gần 3 tuần với 50 lần nổ với khối lượng đá bắn ra nặng tới 12,5 tấn. Sau đợt đó, hồ dung nham biến mất và sau đó xuất hiện trở lại vào năm 2009.
Các dấu hiệu cảnh báo
Trong vài tuần qua, trên Đảo Lớn của Hawaii đã ghi nhận được hơn 600 cơn động đất, đây là một dấu hiệu của hoạt động nào đó đang xảy ra sâu phía dưới núi lửa.
Bà Johnson cho biết “Động đất ở gần các núi lửa cho biết có cực kì nhiều hoạt động do mắc-ma gây ra khi nó chảy qua các phiến đá. Đây là một trong những dấu hiệu chắc chắn nhất của những dòng chảy mắc-ma. Những nguy hiểm có thể xảy ra cũng nhiều như chính lượng dung nham đang tuôn chảy vậy, các loại khí độc và tro bụi nằm trong số đó. Mọi người cũng nên cảnh giác với khu vực gần núi lửa mà có nước vì khi dung nham tiếp xúc với nước biển, phản ứng hóa học sẽ sinh ra chất độc a-xít hi-đrô-clo-ríc.
Điều may mắn là hiện nay không có người ở khu vực của công viên quốc gia núi lửa Hawaii nằm ngay trong vùng giới hạn nguy hiểm trực tiếp, công viên này đã được đóng cửa hôm thứ Sáu tuần trước để đảm bảo an toàn cho khách du lịch, vì có thể họ không lường trước được rõ nguy hiểm của núi lửa bằng người dân sống trong vùng này.
Vẫn là điều bí ẩn
Nếu các nhà nghiên cứu núi lửa có thể hiểu Kilauea rõ hơn và lí giải được hoạt động có vẻ rất lạ này của núi lửa đó thì họ cũng có thể hiểu rõ hơn các núi lửa khác.
Ví dụ như hiện nay có 2 điểm phun trào quanh núi lửa này và tạo thành 2 lối đi tự do cho mắc-ma trào lên mặt đất. Nhưng có vẻ như mắc-ma không thích đi đường dễ mà lại chọn lối đi len qua các tảng đá; có 15 khe nứt đã sinh ra từ ngày 3 tháng 5 khi các miệng phun của Kilauea bắt đầu tuôn dung nham.
Đối với nhà nghiên cứu núi lửa Jessica Johnson thì “một trong những điều tôi yêu nhất ở Kilauea là nó được giám sát chặt chẽ và được nghiên cứu cực kì sát sao. Chúng tôi càng biết nhiều về núi lửa này thì càng nhận ra rằng những điều chúng ta đã biết về núi lửa là rất ít.”