Theo iFeng, sự việc bị phát hiện khi một số phụ huynh có con học tại cơ sở này đồng loạt phát hiện con mình thường xuyên bỏ học, học lực giảm. Sau khi ngầm điều tra, những sinh viên này được xác định đã nghiện game. Tuy nhiên, điều bất ngờ là có một quán Internet tồn tại ngay trong trung tâm của trường học.
Theo quảng cáo được dán trên tường, đây là nơi để dạy và thực hành các khóa học lập trình, thiết kế bản vẽ, thiết kế nội thất cùng một số môn liên quan tới công nghệ máy tính khác. Tuy nhiên khi kiểm tra, 6 trên 10 phòng học lại đang hoạt động như một quán Internet, phục vụ nhu cầu chơi game của sinh viên. “Quán game” này nằm tại tầng 4 của một tòa nhà trong trường, với bảng hiệu bên ngoài là “Trung tâm Tin học và Ngôn ngữ”. Trên thực tế, đây là các phòng học hỗ trợ, với hàng trăm máy tính cấu hình cao giúp sinh viên có thể thực hành và làm bài tập về bản vẽ, chỉnh sửa đồ họa của ngôi trường chuyên về khoa học và kỹ thuật này.
Sinh viên tới đây phải mở tài khoản cá nhân, chỉ bao gồm tên và nạp tiền mà không cần cung cấp thông tin gì. Việc nạp tiền thậm chí có thể thực hiện qua QR Code, dễ dàng thanh toán quá di động. Nếu nạp nhiều, sinh viên có thể được giảm giá theo tỷ lệ phần trăm.
Bên trong phòng máy tính tại đại học Tây An, trông không khác gì một quán Internet trên phố.
Ghi nhận tại một phòng học, có khoảng 30 người đang ngồi chơi game, chỉ có một người đang sử dụng phần mềm đồ họa. Có những người ở đây cả ngày, ăn đồ vặt và đồ khô, không hề bước chân ra ngoài. Tổng cộng có hơn 300 máy tính trong 6 phòng học được phục vụ cho hoạt động kinh doanh này, 4 phòng còn lại hoạt động như các phòng tin học thông thường.
Theo các quy định có liên quan ở Trung Quốc, việc mở các quán game phải đòi hỏi 6 loại giấy tờ, như giấy phép kinh doanh, ý kiến xác nhận của đơn vị phòng cháy chữa cháy, giấy phép bảo mật Internet, chứng nhận của các cơ quan có thẩm quyền… Tuy nhiên, với “quán game” sử dụng cơ sở vật chất lẫn điện lưới của nhà trường, các giấy chứng nhận trên dường như không có ý nghĩa.
Một sinh viên đang thanh toán tiền chơi game qua ứng dụng di động theo mã QR Code đặt trên bàn.
Trung tâm Tin học và Ngôn ngữ của trường Tây An có 10 phòng học và khoảng 500 máy tính. Theo chia sẻ của một số sinh viên, thời gian hoạt động ở đây kéo dài 14 tiếng, từ 8h30 tới 22h30. Giá sử dụng dịch vụ là 3 nhân dân tệ (khoảng 10.000 đồng) mỗi tiếng. Các trò chơi quen thuộc nhất tại đây là Liên minh huyền thoại, Hearthstone, CrossFire, Overwatch, FIFA Online, PUBG… Doanh thu hàng ngày từ việc kinh doanh Internet có thể lên tới con số vài nghìn USD.
Trả lời báo chí, đại diện trường chỉ cho biết Trung tâm này là một bộ phận của trường và được quản lý bởi Văn phòng quản lý phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, văn phòng này luôn trong tình trạng khóa cửa và chưa có người đứng ra chịu trách nhiệm. Ngay sau khi sự việc vỡ lở, một số báo cáo cho biết trường đã cho sửa chữa lớp học, đồng thời cấm tất cả các hoạt động thu phí cũng như xóa mọi phần mềm game trên máy tính.
Mai Anh