Hai doanh nhân này gửi đơn lên tòa án gây sức ép buộc Google xóa một số bài viết về hành động phạm pháp của họ với lý do chuyện đã diễn ra từ nhiều năm trước, không còn được công chúng quan tâm và những bài viết này còn tồn tại là vi phạm quyền cá nhân.
Trước đó, Google từ chối gỡ bỏ các nội dung trên vì chúng vẫn được công chúng quan tâm, giúp cung cấp dữ liệu đầy đủ về cuộc đời của một doanh nhân.
Ngày 20/4, quan tòa Mark Warby ra quyết định ủng hộ hai doanh nhân, cho rằng thông tin về các tội danh và lệnh trừng phạt đã cũ, không còn phù hợp để tiếp tục bị khai thác. Tuy nhiên, ông Warby từ chối ra phán quyết rằng Google phải bồi thường cho những tổn hại về danh tiếng với hai người này.
Google cho biết họ tôn trọng phán quyết của tòa riêng trong vụ kiện này. “Chúng tôi tuân thủ Quyền được lãng quên, nhưng chúng tôi cũng thận trọng không gỡ bỏ các kết quả tìm kiếm mà vẫn được người dùng quan tâm và sẽ luôn bảo vệ quyền được tiếp cận các thông tin hợp pháp của công chúng”, Google trả lời CNN.
Không ít người muốn xóa đi những thông tin họ đăng lên, hoặc người khác đăng về họ trên mạng.
Internet đóng vai trò như một kho chứa khổng lồ, nơi mọi thông tin đăng lên đều được lưu lại ở nhiều trang khác nhau. Nếu một ngày người dùng nghĩ lại và muốn xóa đi những thông tin bất lợi, những hình ảnh không đẹp mà họ từng chia sẻ, thì họ cũng khó có thể tìm và gỡ bỏ hết những gì đã đăng trong “ma trận” của Internet.
“Quyền được lãng quên” bắt đầu được biết đến rộng rãi từ năm 2014 khi Tòa án công lý châu Âu đã đưa ra phán quyết có lợi cho Mario Costeja Gonzalez, một công dân Tây Ban Nha, khi ông này yêu cầu Google xóa các kết quả tìm kiếm có liên quan đến quá khứ bị thu giữ tài sản thế chấp của mình trên báo điện tử từ năm 1998.
Minh Minh