(Nguồn: KR) |
Quỹ đầu tư mang tên Q Fund sẽ cung cấp nguồn vốn tài trợ hạt giống (seed) và cấp vốn lần đầu (series A) cho các doanh nghiệp khởi nghiệp giải quyết các vấn đề trí tuệ nhân tạo, cũng như các doanh nghiệp sử dụng AI với mục đích xử lý vấn đề khoa học máy tính. Q Fund không công bố số vốn đầu tư của mình nhưng số tiền này nằm trong 150 triệu USD của Samsung NEXT.
Khác với các cách thức tiếp cận đầu tư mạo hiểm truyền thống, Q Fund có lợi thế linh hoạt để đầu tư vào những đề xuất phi hiển nhiên và hướng tới tương lai cho AI thay vì những công nghệ đã được triển khai và phổ biến trên thị trường. “Chúng tôi muốn đầu tư vào các nhóm nghiên cứu có cách thức tiếp cận mới để đặt nền móng cho AI”, Ajay Singh, một trong các quản lý của Q Fund tuyên bố. Những startup mang nhiều rủi ro thường không được những quỹ đầu tư mạo hiểm chọn lựa, lại nằm trong tầm ngắm của Q Fund, đặc biệt là những công nghệ tốn nhiều hơn 5 năm phát triển. Thêm vào đó, những kế hoạch kinh doanh rành mạch cũng không phải ưu tiên chọn lựa vì Samsung muốn tìm kiếm những startup tập trung vào những vấn đề kỹ thuật nan giải, mà không cần biết kết quả nghiên cứu có đem lại lợi nhuận kinh tế hay không.
Đại diện Samsung NEXT cho biết: “Trong vòng 10 năm qua, chúng tôi đã chứng kiến phần mềm thống trị thế giới. Giờ là lúc AI nắm gọn phần mềm. Chúng tôi đưa ra Q Fund nhằm hỗ trợ thế hệ mới của những startup AI với tiềm năng vượt quá những gì chúng ta đã thấy hiện nay”.
Một trong những cái tên nổi bật nhận được đầu tư từ Q Fund là Covariant AI, công ty nghiên cứu về imitation learning (học bắt chước) và deep reinforcement learning (học tăng cường sâu) để đào tạo robot những kỹ năng mới và phức tạp. Điều này cho thấy trọng tâm của quỹ đầu tư vào các startup tìm tòi thay thế các thuật toán đã có, cấu trúc dữ liệu và các chương trình máy tính mang mục đích chung.
Trong nhiều năm qua, Samsung luôn gặp khó khăn trong việc phát triển và phổ biến lĩnh vực phần mềm của mình. Khi mà các thế hệ smartphone và tablet của Samsung phụ thuộc vào hệ điều hành Android của Google, cái tên Tizen chẳng được nhiều người biết đến trong khi đây là hệ điều hành tự dựng của hãng công nghệ này. Việc mở rộng đầu tư vào các startup chính là biểu hiện cho quyết tâm mở rộng ảnh hưởng tới phần mềm và dịch vụ của Samsung.