Sharp, công ty con của Foxconn kể từ năm 2016 đến nay dự kiến sẽ chi khoảng 36 triệu USD để mua 80,1% cổ phần của Toshiba Client Solutions, công ty con của Toshiba chuyên về mảng PC. Đây cũng là công ty từng chiếm thị phần laptop lớn nhất thế giới trong một thời gian dài trước khi bị mất danh hiệu từ tay các đối thủ. Theo Japantimes, quá trình chuyển nhượng cổ phần sẽ diễn ra vào ngày 1/10 tới.
Sharp nói riêng và Foxconn nói chung đang muốn biến mảng PC của một công ty thua lỗ như Toshiba trở thành một cỗ máy hái ra tiền nhờ lợi thế nhà xưởng, công nghệ của Foxconn và Sharp. Ngoài ra, Sharp cũng khẳng định vẫn sẽ duy trì thương hiệu laptop Dynabook của Toshiba sau khi mua lại.
Theo nhà phân tích Takao Matsuzaka đến từ hãng Daiwa Securities, Sharp rất biết cách tận dụng năng lực sản xuất của Foxconn để làm lợi cho các mảng kinh doanh TV và smartphone của hãng.
Nếu như có trong tay mảng PC của Toshiba, kết hợp với kinh nghiệm sản xuất màn hình LCD giá rẻ và lợi thế nhà xưởng của Foxconn, Sharp chắc chắn sẽ cho ra đời những mẫu PC có sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Theo nguồn tin nội bộ từ Toshiba mảng kinh doanh PC của hãng đã ghi nhận khoản lỗ ròng 74 triệu USD trong năm 2017 (tính đến tháng 3/2018). Trong khi đó, theo Euromonitor International, một công ty nghiên cứu có trụ sở ở London, Toshiba hiện xếp thứ 8 trong số các hãng laptop trên thế giới với thị phần 1,92% trong năm ngoái.
Toshiba bắt đầu bán những chiếc laptop đầu tiên vào năm 1985. Tại thời điểm đỉnh cao cách đây 7 năm trước, doanh số laptop của hãng thậm chí đã lên tới 17,7 triệu máy. Tuy nhiên sau khi “ngã lưng cọp”, doanh số laptop của Toshiba hiện chỉ còn đạt 1,4 triệu chiếc vào năm 2017.
Kể từ khi vướng phải bê bối kế toán hồi năm 2015 và sau đó là tình trạng thua lỗ của mảng kinh doanh điện hạt nhân tại Mỹ, Toshiba đã lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Hãng buộc phải bán đi nhiều mảng kinh doanh quan trọng trong hai năm qua bao gồm mảng TV cho Hisense (Trung Quốc) vào cuối năm 2017 và trước đó là mảng điện tử gia dụng cho Midea Group (Trung Quốc).
Còn về phía Sharp, công ty Nhật Bản từng là ông lớn trên thị trường điện tử gia dụng cũng phải bán mình cho Foxconn vào năm 2016 với giá 6,2 tỷ USD. Kể từ khi về tay công ty Đài Loan, tình hình tài chính của Sharp đã có sự cải thiện rõ rệt.
Mai Huyền