Bạch tuộc chính là một trong những bậc thầy ngụy trang siêu việt có thể trở nên “vô hình” ngay dưới mí mắt kẻ địch. Chúng có thể thay đổi màu sắc và kết cấu trong chưa đầy một giây, hòa vào môi trường xung quanh với độ chính xác đáng kinh ngạc.
Sinh tồn trong thiên nhiên hoang dã luôn ẩn chứa vô vàn hiểm nguy, nhiều loài động vật lựa chọn cách ẩn náu để né tránh những kẻ săn mồi trong đó có bạch tuộc.
Tại sao bạch tuộc ngụy trang?
Chúng phải ngụy trang để tránh né kẻ thù hoặc để lén lút tiếp cận con mồi của mình. Loài động vật tám chi này cũng thích hòa nhập vào môi trường xung quanh nếu như chúng không ở trong những nơi giống như hang động.
Bạch tuộc thích hòa nhập vào môi trường xung quanh nếu như chúng không ở trong những nơi giống như hang động. (Ảnh: Smithsonian Magazine)
Làm cách nào mà bạch tuộc nhận biết được màu sắc để biến hóa?
Đây là một câu hỏi mà các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng tìm ra câu trả lời. Họ biết rằng một số động vật thân mềm (bạch tuộc, mực ống và mực nang) có thể khiến làn da của mình phù hợp với môi trường xung quanh bằng cách sử dụng thị lực. Nhưng điều rắc rối là những con bạch tuộc thực sự bị mù màu. Nhiều khả năng là chúng có thể phân biệt hiện tượng phân cực ánh sáng tốt hơn con người, nhưng phương pháp chính xác mà chúng dùng để xác định màu sắc hiện vẫn còn là bí ẩn.
Bạch tuộc sở dĩ có thể thay đổi màu sắc là do trên da của chúng có vô số các tế bào sắc tố. Trung tâm của mỗi tế bào sắc tố này có một “chiếc túi co giãn” chứa đầy các sắc tố khác nhau (đen, nâu, cam, đỏ, hoặc vàng) và có thể bị bóp như bong bóng để làm cho sắc tố nổi bật hơn trên da.
Điều này giống như khi bạn bóp một quả bóng chứa đầy thuốc nhuộm, màu sắc của thuốc nhuộm sẽ được đẩy lên, trải dài và sáng rõ trên bề mặt. Một mạng lưới phức tạp của các dây thần kinh và cơ bắp đóng vai trò kiểm soát khi nào những “chiếc túi” được mở rộng hay co lại, và khi “chiếc túi” mở rộng, màu sắc sẽ dễ thấy hơn.
Bạch tuộc còn có khả năng tự thay đổi kết cấu làn da
Không chỉ biến hóa sắc màu, bạch tuộc còn có thể thay đổi kết cấu của da để phù hợp với đá, san hô và các thứ khác gần chúng.
Chúng thực hiện việc này bằng cách sử dụng các vùng nhỏ trên da được gọi là “nhú”. Trong cấu trúc này, các sợi cơ được bố trí như mô hình mạng nhện, tỏa ra thành các vòng tròn đồng tâm. Khi các sợi cơ này co lại, chúng sẽ kéo mô mềm ở các nhú về phía trung tâm. Và vì mô đó không có khả năng chịu nén tốt, hướng duy nhất cho nó là nhú lên.
Bằng cách sắp xếp các sợi cơ theo các dạng thức khác nhau, bạch tuộc có thể biến làn da bằng phẳng của mình trở thành các hình dạng ba chiều (lập thể) như: thành các u tròn, gai nhọn và thậm chí là các cấu trúc phân nhánh.
Ngọc Thuần