Sau khi “thôn tính” xong Uber, Grab tiếp tục bước vào kỷ nguyên phát triển mới với tham vọng trở thành nền tảng ứng dụng di động O2O (online-to-offline) hàng đầu Đông Nam Á. Vậy “sức mạnh” nào giúp Grab có thể lớn mạnh như vậy?
Sử dụng công nghệ theo chiến lược “hyperlocal”
Chính thức có mặt tại thị trường Malaysia vào năm 2012, một năm trước khi Uber tiến vào thị trường Đông Nam Á, Grab đã xây dựng được chỗ đứng vững chắc tại thị trường với khả năng tích lũy dữ liệu mở rộng và thông tin về các thị trường mà họ cung cấp dịch vụ. Điều này rất quan trọng đối với một khu vực đa dạng như Đông Nam Á. Đây là khu vực có nền văn hóa đa dạng, hạ tầng giao thông, hạ tầng thanh toán cũng khác nhau.
Đặc biệt công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Grab xác định các khu vực vận chuyển có nhu cầu cao và khu vực tắc nghẽn. Hơn nữa, dữ liệu thu thập được cho phép Grab tiếp tục cung cấp các dịch vụ đáp ứng hiệu quả nhu cầu cụ thể ở mỗi thành phố. Grab gọi đó là chiến lược “hyperlocal” (liên kết địa lý). Chẳng hạn, các dịch vụ ở Indonesia và Việt Nam là ví dụ của chiến lược “hyperlocal”. Những người đi làm ở các thành phố như Jakarta và thành phố Hồ Chí Minh dành nhiều giờ đi lại và thường sử dụng xe máy để tránh tắc đường. Hiểu được điều này, ngoài dịch vụ GrabCar, Grab đã cung cấp thêm dịch vụ GrabBike. Một ví dụ khác của chiến lược hyperlocal là dịch vụ GrabHitch đi chung xe, dịch vụ này đã giúp cho nhiều người có thể di chuyển hơn với ít phương tiện hơn để giảm bớt tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Các dịch vụ O2O ra đời theo nhu cầu của khách hàng ở từng địa phương. |
Phân tích dữ liệu để tạo ra dịch vụ khách hàng tốt hơn
Đối với các công ty như Grab, công nghệ là “vũ khí” để họ cạnh tranh. Việc sử dụng phân tích dữ liệu hoàn toàn có thể biến đổi dịch vụ khách hàng. Grab phân tích một lượng lớn dữ liệu về khách hàng của họ để hiểu hơn về nhu cầu của khách hàng. Chẳng hạn như dữ liệu của họ có thể được sử dụng để biết tần suất các chuyến đi và các địa điểm đón và trả khách phổ biến nhất.
Áp dụng máy học vào nền tảng cho phép Grab định tuyến các lái xe của họ đến các khu vực có nhu cầu gọi xe cao vào những thời điểm cụ thể trong ngày.
Ngoài ra, sự phong phú của dữ liệu cũng giúp cập nhật thông tin vị trí chính xác cho bên thứ ba. Chẳng hạn như Grab Indonesia có thể nâng cấp bản đồ của bên thứ ba bổ sung thêm địa chỉ quầy hàng thực phẩm địa phương làm điểm đón và trả khác. Thông thường các vị trí đó thường không có địa chỉ chính xác. Đây là những địa điểm mọi người thường xuyên đi lại. Ngay cả khi người lái nhập địa chỉ ban đầu không đúng, nền tảng của Grab cũng chỉ ra địa chỉ đó không chính xác và hệ thống điều chỉnh bản đồ đến vị trí chính xác mà người lái dự định đến.
Sử dụng phương thức thanh toán đa dạng
Vốn là doanh nghiệp khởi nguồn chính từ Đông Nam Á nên Grab hiểu rất rõ nhu cầu, thói quen của người dụng nơi đây. Đó là thói quen dùng tiền mặt thanh toán nên việc cung cấp cho khách hàng đa dạng kênh thanh toán đã giúp Grab có thế cạnh tranh hơn so với Uber và các đối thủ khác.
Mặt khác, Grab cũng đã cho ra đời GrabPay Credits tích hợp ngay trên ứng dụng Grab giúp khách hàng lưu tài chính không dùng tiền mặt, cho phép nạp thêm tiền qua các nguồn tài chính đa dạng ở địa phương để có thể thanh toán các chuyến đi Grab. Với GrabPay Credits, khách hàng có thể nạp thêm tiền vào tài khoản dùng trả trước thông qua thẻ Visa, Master hoặc tính năng internet banking của các ngân hàng. GrabPay Credits cho phép mọi người dân tại Đông Nam Á được trải nghiệm sự tiện lợi của những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Hơn nữa, Grab cũng có thêm AliPay nền tảng thanh toán của bên thứ ba lớn nhất Trung Quốc cho phép du khách Trung Quốc ở Singapore và Thái Lan thanh toán bằng đồng nhân dân tệ thông qua tài khoản AliPay của họ. Trước đây, du khách Trung Quốc chỉ có thể trả tiền taxi bằng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng kép.
Grab cho biết, họ sẽ tiếp tục nâng cao và mở rộng các dịch vụ trong nền tảng Grab Financial, bao gồm thanh toán điện tử, tài chính vi mô, bảo hiểm và các dịch vụ tài chính khác, cho hàng triệu khách hàng chưa có tài khoản hoặc chưa được tiếp cận với ngân hàng, các doanh nghiệp siêu nhỏ, các doanh nghiệp nhỏ trong khu vực. Ví điện tử GrabPay sẽ có mặt tại tất cả quốc gia Đông Nam Á trước cuối năm nay.
Luôn luôn đổi mới công nghệ
Xác định công nghệ là “vũ khí” cạnh tranh, Grab đã mở rất nhiều trung tâm R&D tại Singapore, Ấn Độ, Việt Nam… để thu hút các tài năng công nghệ. Singapore là trung tâm công nghệ toàn cầu của Grab và tiếp tục đổi mới để đảm bảo rằng, luôn đi trước cuộc chơi và dẫn trước các đối thủ khác. Công ty sẽ không ngừng đổi mới công nghệ để đáp ứng nhu cầu thay đổi của khu vực.
Trong quá trình phát triển các sản phẩm, Grab sử dụng mô hình phân tán các đội ngũ kỹ thuật, cho phép tiếp cận những nhóm chuyên môn cụ thể tại mỗi trung tâm R&D khắp thế giới, như mô hình phân tích tự động hoá thông minh, phân tích dự báo dữ liệu, công nghệ di động mới nhất và trải nghiệm người dùng tập trung vào khách hàng.
Hiện 90 triệu thiết bị di động đã tải ứng dụng Grab. Thông qua ứng dụng này, người dùng có thể tiếp cận vào mạng lưới giao thông đường bộ và đại lý lớn nhất khu vực với hơn 5 triệu đối tác tài xế và đại lý. Grab hiện đang cung cấp các dịch vụ xe tư nhân, xe máy hai bánh, xe taxi và dịch vụ đi chung xe ở khắp 8 quốc gia và 195 thành phố ở Đông Nam Á, bên cạnh dịch vụ giao nhận hàng hóa và thực phẩm.
Sau thương vụ “thôn tính” Uber, Grab sẽ tiếp tục phát triển trở thành nền tảng di động O2O số 1 Đông Nam Á và là một nền tảng quan trọng trong lĩnh vực giao nhận hàng hóa và thức ăn.
Tuệ Minh
Đọc thêm
Loading…
VietBao.vn