Kể từ khi Apple kỷ niệm 10 năm iPhone chào đời đồng thời lần đầu giới thiệu thiết kế màn hình “tai thỏ” trên iPhone X, cả thế giới bao gồm hàng loạt nhà sản xuất Android từ lớn đến nhỏ đã đổ xô vào vòng xoáy màn hình tai thỏ, “sống chết” cho ra đời bằng được một phiên bản màn hình tràn viền có khía chữ V của riêng mình. Với không dưới 16 mẫu điện thoại Android từ đủ các tên tuổi ra mắt trong năm nay với màn hình mới và con số chưa có dấu hiệu dừng lại, có thể nói “tai thỏ” là xu thế bắt buộc phải chạy theo nếu muốn bán được hàng mà không mấy thương hiệu điện thoại Android đủ khả năng đi ngược lại.
Dù không sở hữu mẫu điện thoại nào có “tai thỏ”, ít nhất là cho đến khi chính thức trình làng bộ đôi flagship 2018 Pixel 3 và Pixel 3 XL, Người khổng lồ tìm kiếm vẫn tung ra Android P hỗ trợ tương thích đầy đủ tỉ lệ màn hình dài có khấc chữ V, giúp nhà phát triển ứng dụng có thể đảm bảo ứng dụng của mình không bị “cắt cụt” và hiển thị không đầy đủ trên màn hình. Tuy nhiên trước khi trên thị trường xuất hiện tâm lý “kém miếng khó chịu” giữa các nhà sản xuất về số lượng “tai thỏ” được phép mang lên màn hình điện thoại, Google đã nhanh chóng đi trước đón đầu và đặt ra một số quy định cơ bản đối với việc thiết kế màn hình “tai thỏ” cả trên phương diện phần cứng lẫn phần mềm.
Luật “rắn” dành cho phần cứng
Google đặt ra hai quy định đối với nhà sản xuất điện thoại Android. Cụ thể, quy định đầu tiên Google đề cập tới như sau:
“Ở chế độ màn hình dọc, thanh trạng thái hiển thị thông báo buộc phải có độ rộng ít nhất là ngang bằng phần khía chữ V.
Ở chế độ xoay ngang màn hình hoặc xem video fullscreen, toàn bộ phần khía màn hình phải hiển thị thanh đen (letterboxed) để không xén bớt vào nội dung hiển thị”
Quyết định Google đưa ra nhằm giải quyết triệt để vấn đề dai dẳng về tính tương thích kém trên màn hình “tai thỏ” của một số nhà sản xuất. “Tai thỏ” mang tính ứng dụng cao nhất khi được dùng như một bộ phận nới rộng của thanh trạng thái để không bỏ phí một điểm ảnh nào, nhưng dường như không phải nhà sản xuất điện thoại cũng như nhà phát triển ứng dụng nào cũng hiểu rõ điều đó.
Cutout trên Essential Phone dù nhỏ nhưng lại không được tối ưu hóa tốt, đã xén cả vào phần màn hình dùng để hiển thị nội dung |
Không chỉ Essential Phone, cả flagship 2018 Huawei P20 Pro cũng gặp lỗi không tương thích với ứng dụng phổ biến Instagram (ảnh chụp từ video của channel YouTube Vật Vờ Studio) |
Tiếp đến khi xoay ngang màn hình, Google không muốn để phần cutout ăn vào bức ảnh hay video đang hiển thị (như trên iPhone X), sao cho trải nghiệm xem phim fullscreen vẫn y nguyên dù là trên LG G7 “tai thỏ” hay Galaxy S9 màn hình vô cực không “tai thỏ”.
iPhone X khi xem video bị cut vào nội dung hiển thị (ảnh: iMore) |
Quy định thứ hai được đặt ra nhằm ngăn chặn bất kỳ nhà sản xuất nào có ý định làm smartphone “dị” với nhiều tai thỏ xung quanh 4 góc màn hình:
Người khổng lồ Menlo Park đã tuyên bố thẳng thừng “thiết bị Android phải đảm bảo rằng phần khía màn hình không tác động tiêu cực tới trải nghiệm dùng ứng dụng, và rằng toàn bộ các thiết bị chạy Android chỉ được phép có tối đa 1 khía trên mỗi cạnh ngắn của thiết bị”, đồng nghĩa với việc sẽ không có “tai thỏ” xuất hiện ở hai cạnh bên và chỉ được phép có tối đa 1 tai thỏ mỗi cạnh trên và dưới smartphone.
Nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trên, Google nói nhà sản xuất có thể đặt “tai thỏ” tại bất kỳ vị trí nào mình muốn trong phạm vi cho phép.
“Tai thỏ” tượng trưng cho một thời đại smartphone bế tắc ý tưởng
Người khổng lồ tìm kiếm nhiều khả năng chỉ đang quá lo xa về những trường hợp khó xảy ra. Tuy nhiên trong thời đại smartphone phải tự làm mới bản thân giữa một rừng đối thủ chủ yếu qua diện mạo bên ngoài, động thái “cẩn tắc vô áy náy” và nêu rõ quy định bằng giấy trắng mực đen của Google là không thừa. Rõ ràng, một công ty lớn như Google hiểu rõ nhất hơn ai hết những mối nguy ẩn dật, và nếu Google lo sợ sẽ có điện thoại Android nhiều “tai thỏ”, phá vỡ hoặc làm nhiễu loạn nghiêm trọng hệ sinh thái Android, tức là sẽ có thật. Điều đó càng chứng tỏ thêm một vấn đề lớn đang ám ảnh giữa các nhà sản xuất Android: nhu cầu phân biệt bản thân một cách thái quá.
Vốn dĩ ban đầu trong SDK của Android, nhà phát triển chỉ tìm thấy 3 lựa chọn mô phỏng “notch” bao gồm: hẹp (như trên chiếc Essential Phone), cao (giống trong bức hình render Pixel 3 XL) và rộng (tương tự trên iPhone X). Tuy nhiên các bản cập nhật beta gần đây đã giới thiệu thêm nhiều lựa chọn hơn nữa, thậm chí cả những lựa chọn có phần “quái dị” như khoét vuông ở góc màn hình hay “tai thỏ đôi” cả mép trên và dưới – cho thấy công ty con của Alphabet đang mường tượng đến một viễn cảnh smartphone có “notch” cả ở cạnh dưới màn hình cũng như “tai thỏ” lệch tâm.
“Tai thỏ đôi” |
Vậy tại sao smartphone lại cần có “tai thỏ” ở đáy màn hình? Thực chất, khấc “tai thỏ” ban đầu có nhiệm vụ bao trùm bảo vệ toàn bộ cụm cảm biến và camera trước trong khi vẫn cho phép nhà sản xuất chạy theo xu hướng tràn viền và kéo dãn phần còn lại của đỉnh màn hình lên sát mép. Điều này có nghĩa rằng cho tới khi công nghệ chín muồi và cho phép sản xuất ra camera trước nằm dưới màn hình, hướng thiết kế duy nhất để làm ra được màn hình không viền là “tai thỏ”. Như vậy, trừ khi nhà sản xuất có ý định đặt camera ở đáy điện thoại như Xiaomi (với Xiaomi Mi Mix), khấc “tai thỏ” ở cạnh dưới là hoàn toàn không cần thiết.
LG G7 đã nhanh chóng thêm vào nhiều tùy biến không cần thiết, đi ngược lại với ý tưởng ban đầu của “tai thỏ” |
Sau 10 năm đột phá và cải tiến thiết kế, đến cả Apple cũng vấp phải thế bế tắc trước sứ mệnh giải phóng viền màn hình và đã phải cậy nhờ đến thiết kế “tai thỏ”. Không như trên iPhone X, các nhà sản xuất khác không thể bẻ cong tấm nền OLED rồi uốn gập vào trong để tạo ra mép dưới màn hình siêu mỏng, đơn giản bởi họ không có trong tay công nghệ và nếu có thì chi phí sản xuất sẽ đội giá thành sản phẩm lên quá cao. Vì lẽ đó, chẳng sớm thì muộn cũng sẽ có người tìm cách lấn thêm một vài cm cạnh đáy màn hình bằng cách “vẽ” thêm một tai thỏ thứ hai. Nghe có vẻ nực cười, nhưng rõ ràng trong bối cảnh thị trường smartphone bão hòa và các thiết bị thuộc phân khúc tầm trung ngày càng trở nên đáng giá hơn, phân khúc hạng sang buộc phải tìm hướng đột phá mới nhằm thu hút người dùng, cho dù là nâng cấp về cấu hình, trải nghiệm chụp ảnh, thời lượng pin hay thay đổi diện mạo bằng cách này hay cách khác. Thật tuyệt khi biết rằng Google đã nhìn ra được trước điều này và nhanh chóng vẽ ra một lằn ranh nhất định trước khi mọi việc vượt khỏi tầm kiểm soát.
Cho đến khi công nghệ cho phép sản xuất màn hình hoàn toàn không viền, “tai thỏ” vẫn sẽ ở đây giúp khỏa lấp phần nào giấc mơ về một thiết kế hoàn mỹ của con người (ảnh minh họa) |
Chắc chắn sẽ đến một ngày thiết kế “tai thỏ” đi vào dĩ vãng và được thế chỗ bởi màn hình hoàn toàn tràn viền bắt mắt, hiện đại. Song cho đến khi công nghệ thực sự chín muồi và cho phép con người hiện thực hóa tương lai đó, chúng ta vẫn phải tiếp tục sống với “notch tai thỏ” và coi đó là một yếu tố thiết kế đầy sáng tạo không thể thiếu, thay vì là kế hoạch B cho phép nhà sản xuất tạm thời khỏa lấp giấc mơ về màn hình không viền nơi người tiêu dùng, đúng như bản chất của nó vậy.