Binh nhì Shamika Burrage là một nhân viên ở bộ phận cung cấp quân đội. Hai năm trước, trong lúc đang trên đường trở lại đơn vị của mình ở Texas sau kỳ nghỉ phép, lốp xe trước của cô bị nổ khiến chiếc xe bị nghiêng và văng ra khỏi đường. 
Khi Burrage nhấn phanh, chiếc xe trượt hơn 200m và lật vài lần. Cô bị hất ra khỏi xe, bị thương ở đầu, gãy xương cột sống và mất toàn bộ tai trái.
Ngay cả khi Burrage đã hồi phục về thể chất, cô vẫn cảm thấy tự ti về ngoại hình của mình. Cô được hướng dẫn đến gặp bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ.
Cô được Trung tá Owen Johnson III – trưởng khoa phẫu thuật thẩm mỹ và tái tạo tại Trung tâm Y tế Quân đội William Beaumont của Texas, trình bày một kế hoạch táo bạo. 
Johnson đề nghị tái tạo lại một chiếc tai mới cho cô bằng cách sử dụng sụn lấy từ xương sườn cô, sau đó đặt nó dưới da cánh tay của chính cô để cho phép nó phát triển và hình thành các mạch máu mới.
Lúc mới nghe qua, Burrage lo sợ về việc tái tạo này. Ban đầu cô chỉ dự định ghép một bộ phận giả, nhưng cuối cùng cô quyết định rằng mình muốn có một chiếc tai thật. “Lúc đầu tôi sợ nhưng muốn xem ông ấy có thể làm gì,” cô cho biết.

Ca tái tạo tai cho Burrage là trường hợp cấy ghép đầu tiên dạng này mà quân đội thực hiện, nhưng nó làm cho mọi người nhớ lại chú chuột Vacanti nổi tiếng đã được các nhà khoa học cấy một chiếc tai người hồi những năm 1990. 
Theo tin của ABC News, bệnh viện Johns Hopkins cũng từng sử dụng một ca tương tự cho bệnh nhân ung thư bị mất tai. 
Đầu năm nay, các bác sĩ ở Trung Quốc đã sử dụng một phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật in 3-D và sụn để phát triển những chiếc tai mới cho 5 trẻ em bị mắc một khiếm khuyết lúc sinh ra có tên là “bệnh tai nhỏ”, CNN đưa tin.