Như vậy, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng đã thay vị trí mà Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng để lại khi ông nhận nhiệm vụ Bí thư ban Cán sự đảng, quyền Bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông kiêm Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng sinh năm 1959, có mặt ở Viettel từ năm 1996. Ông đã giữ vị trí Phó Giám đốc và Phó Tổng giám đốc của Viettel được 16 năm, dài nhất trong lịch sử tập đoàn này.
Ngoài ra, ông Dũng có 5 năm là Bí thư Đảng ủy Viettel. Ông cũng giữ vị trí Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tổng công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) từ năm 2016.
Trong thời gian dẫn dắt Đảng bộ Tập đoàn, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng đã có chủ trương tập trung nguồn lực thực hiện 3 chiến lược cốt lõi của Viettel là viễn thông trong nước, viễn thông nước ngoài và nghiên cứu sản xuất thiết bị; xây dựng mô hình bộ máy “phẳng hóa” về tổ chức, loại bỏ bớt lớp trung gian để giúp Viettel linh hoạt, sáng tạo.
Ông Dũng cũng mạnh dạn giao quyền, ủy quyền cho các cấp; chuyển dịch từ đánh giá kết quả sang đánh giá toàn diện về năng suất, chất lượng và hiệu quả; thực hiện xuyên suốt quan điểm đặt mục tiêu, chỉ tiêu cao để tìm cách làm mới, cách làm đột phá; giao việc mới, việc khó để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và tạo ra sự bứt phá của Viettel.
Dưới sự điều hành trực tiếp của ông Lê Đăng Dũng tại Viettel Global, năm 2017, lĩnh vực đầu tư quốc tế của Viettel đã ghi nhận nhiều kỷ lục. Với doanh thu đạt 1,25 tỷ USD, Viettel tiếp tục là công ty duy nhất tại Việt Nam có doanh thu từ đầu tư nước ngoài vượt ngưỡng doanh thu tỷ đô. Dòng tiền về nước năm 2017 của Viettel cao tăng 31% so với 2016, đạt 233 triệu USD (khoảng 5.300 tỷ đồng).
Dù năm 2017, Viettel không kinh doanh thêm thị trường mới nhưng tốc độ tăng trưởng đầu tư quốc tế vẫn đạt 24,4%, cao nhất từ trước đến nay.
Dự kiến, trong tháng 8/2018, Viettelsẽ tổ chức lễ bàn giao chiến lược giữa hai vị lãnh đạo, đánh dấu việc chính thức chuyển giao từ giai đoạn Viettel 3.0 sang giai đoạn 4.0 và toàn cầu.
Tờ ICTNews thông tin thêm, ông Dũng sẽ chịu trách nhiệm điều hành tập đoàn Viettel từ hôm nay, ngày 31/7/2018.
Viettel là công ty Việt Nam đầu tư ra nước ngoài lớn nhất, đang kinh doanh ở 10 thị trường quốc tế với 5 quốc gia đứng số 1 về thị phần, 8 thị trường đã có lãi, 3 thị trường đã thu hồi về nước gấp 4-5 lần số vốn đã đầu tư.
Hiện Viettel nằm trong Top 15 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về số thuê bao và Top 40 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về doanh thu.
30 năm, 3 chặng đường, Viettel đã phát triển từ Viettel 1.0 là một công ty xây lắp thành Viettel 2.0 là công ty viễn thông, rồi từ một công ty viễn thông thành Viettel 3.0 là công ty công nghệ.
Từ tên gọi ban đầu là tổng công ty Điện tử Thiết bị thông tin thành tên gọi tập đoàn Viễn thông Quân đội, rồi thành tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội.
Theo báo Chính Phủ, sáng 31/7, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Quyết định giao quyền Bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông cho đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng.
Thay mặt Chính phủ chúc mừng đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng nhận nhiệm vụ quyền Bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng rằng đồng chí sẽ cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ, nhân dân giao phó.
Trước đó, ngày 25/7, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 900/QĐ-TTg giao quyền Bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông đối với Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel).
Trước đó, Bộ Chính trị đã có Quyết định chỉ định đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng giữ chức Bí thư ban Cán sự Đảng bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2016-2021.
Ngày 27/7, tại trụ sở bộ Thông tin và Truyền thông, đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã trao Quyết định của Bộ Chính trị về việc phân công công tác cho đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng.
H.Y (tổng hợp)