iPhone, một thiết bị sáng tạo nhưng chưa thể trở thành cuộc cách mạng cho đến tháng 7/2008, thời điểm iPhone OS 2.0 được phát hành. Bản cập nhật miễn phí, dành cho iPhone thế hệ đầu tiên và cài sẵn trên iPhone 3G, bổ sung tính năng mới: App Store.
App Store giúp lập trình viên phát triển ứng dụng, trò chơi rồi phát hành hoặc bán chúng trực tiếp đến người dùng thiết bị di động của Apple, lúc ấy có iPhone và iPod touch.
Sau 10 năm, đến nay có hàng triệu người truy cập và tải nội dung từ App Store mỗi ngày. Nhờ ứng dụng trên App Store mà người dùng có thể thoải mái sử dụng chiếc điện thoại theo sở thích, nhu cầu của mình, thậm chí là thay đổi những thói quen hàng ngày. Khi nhắc lại những cột mốc đáng nhớ của iPhone, iOS hay Apple, thật khó mà bỏ qua App Store.
Năm 2018, App Store có 500 triệu lượt truy cập mỗi tuần
Cách đây 10 năm, đúng hơn là 30 ngày sau khi App Store đi vào hoạt động, đích thân CEO Steve Jobs đã mời Nick Wingfield, phóng viên tờ WSJ đến trụ sở của Apple để chia sẻ về App Store.
Cuộc phỏng vấn dài 50 phút đã được Wingfield ghi âm lại. Đến nay, sau 10 năm thì WSJThe Information đã đăng tải nguyên văn bài viết và file ghi âm đoạn phỏng vấn với Steve Jobs về App Store.
Theo ZDNet, buổi phỏng vấn chủ yếu đề cập đến suy nghĩ và dự đoán của Jobs về tương lai của App Store. Một điều thú vị là tuy biết được ngành di động sẽ phát triển rất nhanh, song Jobs không thể nghĩ rằng tác động của App Store, không chỉ với Apple mà còn với cả ngành công nghiệp, lại lớn đến như vậy.
Năm 2008, Apple phát triển App Store dựa trên kinh nghiệm và cơ sở hạ tầng iTunes. Theo Jobs thì đây là lợi thế giúp App Store cạnh tranh bởi “chưa ai sao chép được iTunes trong hơn 5 năm qua, và sẽ còn khó hơn bởi nó đã là thứ tốt nhất“.

Trong thời gian Apple tung ra App Store, Google cũng “rục rịch” bán ra những thiết bị đầu tiên chạy Android với kho ứng dụng Android Market (bây giờ là Play Store). Android Market hoạt động từ tháng 10/2008 và phải mất nhiều năm mới bắt kịp App Store về chất lượng và số lượng. Nhiều nhà sản xuất sau đó tự làm kho ứng dụng để cạnh tranh với App Store nhưng đều thất bại.
Đây là 3 dự đoán của Steve Jobs về tương lai App Store, và chúng đều… sai bét.
Tiềm năng về lợi nhuận

Năm 2018, doanh thu mà App Store trả cho lập trình viên là 100 tỷ USD
Sau 30 ngày hoạt động, doanh thu của App Store đạt 30 triệu USD, vượt xa mọi kỳ vọng của Apple.
Khi được hỏi về doanh thu của App Store, Jobs đã suy đoán về tương lai của nó:
Một ngày nào đó App Store sẽ là thị trường tỷ đô. 30 triệu USD trong 30 ngày đầu tiên, tức là 360 triệu USD trong 1 năm, tôi chưa từng chứng kiến điều tương tự xảy ra trong ngành phần mềm“.
Tháng 6 vừa rồi, trước khi App Store kỷ niệm 10 năm tuổi, CEO Tim Cook cho biết doanh thu từ App Store là 100 tỷ USD.
Doanh thu iTunes sẽ luôn cao hơn App Store

Jobs chưa từng nói thẳng điều này, nhưng nếu nghe cuộc phỏng vấn, bạn sẽ thấy ông có nhiều câu nói “hàm ý” rằng App Store sẽ không bao giờ thành công hơn iTunes, thậm chí còn đưa ra mức tăng trưởng “khiêm tốn” cho App Store khi được hỏi liệu doanh thu từ kho ứng dụng có vượt qua iTunes không:
iTunes (và âm nhạc) đang mang về 2,5 tỷ USD doanh thu mỗi năm cho Apple. Tôi rất mừng nếu doanh thu từ App Store đạt 360 triệu USD sau 1 năm, và sẽ vui hơn nếu nó đạt 500 triệu USD, đến một ngày nào đó sẽ là 1 tỷ USD“.
Do Apple gộp doanh thu từ iTunes và App Store mỗi khi báo cáo nên rất khó để phân tích doanh thu cho từng dịch vụ. Tuy nhiên với việc thu về 300 triệu USD từ App Store trong một ngày đầu năm 2018, có thể nói App Store đã vượt mặt iTunes.
Phần mềm chính là sự khác biệt

Lúc đó có thể Jobs vẫn nghĩ rằng người dùng cần 2 loại thiết bị để nghe nhạc: 1 chiếc điện thoại kết hợp chức năng nghe nhạc và 1 chiếc máy nghe nhạc riêng biệt (iPod touch).
Mục đích phát triển App Store là để phân biệt iPhone với đối thủ, và Jobs xem phần mềm chính là mấu chốt khiến người ta chọn sản phẩm Apple.
Chất lượng cuộc gọi là thứ phân biệt giữa những chiếc điện thoại. Nhưng trong tương lai, chúng sẽ phân biệt nhau bởi phần mềm“, Jobs cho biết.
Tuyên bố này hoàn toàn đúng vào thời điểm đó. Đánh giá điện thoại thời ấy thường chú trọng vào chất lượng cuộc gọi hay cường độ sóng, còn phần mềm thì ít ai nhắc tới. Năm 2008, phần mềm chính là thứ khiến iPhone OS (sau này là iOS) tách biệt khỏi Android, BlackBerry hay Nokia.
Tuy nhiên đến năm 2018, phần mềm không còn quan trọng nữa. Thay vì chất lượng sóng hay máy nào cài được nhiều phần mềm hơn, người ta thường đánh giá, so sánh điện thoại bằng camera, chất lượng màn hình, thời lượng pin, tốc độ xử lý,…