Theo chia sẻ của FastGo, một ưu điểm của dịch vụ này là trong 3 năm đầu tiên ứng dụng sẽ không thu tiền chiết khấu của tài xế đăng ký tham gia. Theo đó nếu một ngày tài xế hoạt động doanh thu dưới 100.000 đồng FastGo sẽ không thu đồng phí nào, từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng tài xế chỉ phải nộp mức phí 10.000 đồng, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng tài xế nộp 20.000 đồng và từ 400.000 đồng trở lên tài xế chỉ phải nộp mức phí tối đa 30.000 đồng cho FastGo.

Đặc biệt FastGo cũng sẽ không độc quyền với tài xế, theo đó bên cạnh ứng dụng này tài xế vẫn có thể tham gia chạy xe cho các ứng dụng khác.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuất, CEO của FastGo, trong thời gian tới ứng dụng sẽ mở rộng hoạt động trên 8 thành phố, phát triển lên tới 20.000 đối tác phục vụ 5 triệu khách hàng trong tương lai.

Cũng theo ông Tuất, FastGo sẽ hướng đến người dùng thanh toán thẻ là chính và để đẩy mạnh nó, ứng dụng sẽ đưa ra các chương trình khuyến mãi chỉ áp dụng cho khách hàng dùng thẻ thanh toán. Đồng thời sẽ kết hợp với các công ty về tài chính để hướng tới việc thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới.

Đồng thời, ngoài dịch vụ gọi xe hơi Fastcar thì FastGo cũng đưa ra dịch vụ gọi xe máy Fastbike, dịch vụ này sẽ chia ra làm 2 lĩnh vực là Fastbike Pro phục vụ cho khách hàng cao cấp và Fastbike bình thường như các dịch vụ gọi xe khác hiện nay.

Như vậy, hiện tại TP.HCM đang có khá nhiều dịch vụ gọi xe thông minh như Grab, Go-Viet, Vato… góp phần giúp người dùng thêm sự lựa chọn khi muốn thực hiện các chuyến xe “công nghệ”.