Theo thông tin thống kê từ Google, thì tỷ lệ cài đặt các phiên bản của Android đang theo đúng hướng – thị phần Android 7 và 8 đang dần tăng lên, còn các phiên bản còn lại đang suy giảm. Điều này có được là do các nhà sản xuất điện thoại như Honor, Huawei, Motorola, HMD Global tung ra rất nhiều các dòng điện thoại trong đầu năm nay, và đa số đều chạy Android 8.0 ngay từ khi xuất xưởng. Một số công ty khác như OnePlus thì tung ra các mẫu điện thoại chạy phiên bản mới nhất, Android 8.1. Hiện tại mới quý một, sắp tới thị phần của Android Oreo sẽ còn tiếp tục tăng hơn nữa khi các nhà sản xuất điện thoại lớn hứa hẹn sẽ tung ra nhiều mẫu smartphone mới chạy Oreo trong năm nay.
Đối với Android 7.0-7.1 thì thị phần cũng đã tăng thêm 2.3% trong tháng này, nâng tổng số thị phần lên 30.8%, còn tất cả các phiên bản khác đều giảm. Marshmallow giảm xuống từ 28,1% còn 26%, Lollipop giảm còn 22,9% từ 24,6% và KitKat giảm xuống còn 10,5% từ 12%. Jelly Bean giảm còn 4,5% so với 5% của tháng 2, Ice Cream Sandwich và Gingerbread thì đã quá cũ, chỉ còn lần lượt là 0.4% và 0.3% thị phần. Việc hơn một nửa số máy Android đều đang ở từ Marshmallow trở lên là một điều rất đáng mừng, vì những hệ điều hành cũ hơn rất dễ bị tấn công do các lỗi bảo mật chưa được vá.
Từ KitKat, Lollipop, đến Marshmallow và Nougat, mỗi phiên bản mới của Android dường như tiếp cận số thiết bị mới thấp hơn, và chậm hơn so với các phiên bản cũ (có thể xem biểu đồ ở hình dưới). Tuy nhiên điều này cũng dễ hiểu khi người dùng vẫn có xu hướng sử dụng những chiếc điện thoại hơn hai năm tuổi, nghĩa là số lượng các thiết bị chạy phiên bản Android thấp vẫn chiếm số cao. Bên cạnh đó, giá các thiết bị Android đầu bảng chạy phiên bản mới nhất ngày càng cao, kéo theo số người sử dụng thấp.
Một yếu tố nữa cần nhắc đến để giải thích lý do có sự chêch lệch tỉ lệ người sử dụng các phiên bản Android, đó là do thời gian phát hành của Google. Jelly Bean được ra mắt trước trước KitKat 16 tháng. Khi KitKat được ra mắt, thỉ chỉ đúng một năm sau Google tung ra Lollipop và 11 tháng sau đó thì Marshmallow được giới thiệu. Marshmallow chỉ tạm giữ vị trí phiên bản mới nhất trong 10 tháng trước khi Nougat xuất hiện vào giữa tháng 8 2016. Chỉ có Oreo là thoát khỏi xu hướng này, khi gần 1 năm sau khi Nougat ra mắt, Oreo mới được giới thiệu. Chính vì có vòng đời ngắn, nên khả năng thâm nhập thị trường của những phiên bản trên ngày càng thấp so với những phiên bản đời đầu.
Tuy nhiên, việc được cập nhật lên phiên bản Android mới nhất cũng không còn quá quan trọng như trước nữa. Ví dụ, với Play Services, Google có thể đưa ra các cập nhật quan trọng tới gần như mọi thiết bị Android mà không cần phải đưa vào hẳn một phiên bản hệ điều hành mới. Hơn nữa, các nhà sản xuất cũng đang rất tích cực trong việc tung ra những bản vá bảo mật, nên các điện thoại Android cũng không quá mong manh trước hacker như trước nữa.
Trí Nguyễn