Thử thách Cá voi xanh (Blue Whale Challenge) là một trò chơi truyền thông xã hội có nguồn gốc từ Nga, xuất hiện cách đây vài năm và đã lan truyền ra khắp thế giới. Tên gọi của nó bắt nguồn từ hành vi tự tử của những con cá voi xanh trong thực tế, khi lao lên bãi biển để tự kết thúc cuộc sống của mình.
Khi tham gia vào trò chơi này, người chơi cũng đồng thời tham gia vào một nhóm trên mạng xã hội, hoạt động dưới sự giám sát và quản lý của một người cầm đầu. Việc cần làm sau đó là cài một ứng dụng lên điện thoại để mỗi ngày thực hiện các thử thách được đưa ra. Các nhiệm vụ này lên tới con số 50, thường được yêu cầu hoàn thành vào lúc 4h20 sáng. Ban đầu, nó chỉ đơn giản là vẽ một bức hình cá voi, nghe bản nhạc được “chủ trò” gửi tới, xem các bộ phim kinh dị, nói chuyện với người chơi khác như mình… rồi dần dần, các yêu cầu trở nên gay gắt hơn, như dùng dao rạch vào tay, chân, mỗi, đi dọc theo đường sắt, ngồi lên những nơi cao… Thử thách cuối cùng vào ngày thứ 50 được gọi bằng cái tên khá “mỹ miều” là “nói chuyện với cá voi xanh”, nhưng thực tế yêu cầu là leo lên một tòa nhà cao tầng rồi nhảy xuống. Khi hoàn thành hết các nhiệm vụ, người chơi trở thành “người chiến thắng”.
Blue Whale Challenge là trò chơi dựa trên mạng xã hội và ứng dụng di động.
Trong suốt quá trình thực hiện các nhiệm vụ này, kẻ cầm đầu dần dần nắm bắt tâm lý, thông tin cá nhân của người chơi để dẫn dắt họ hoàn thành hết các nhiệm vụ. Việc này được thực hiện thông qua mạng xã hội, trò chuyện qua ứng dụng trên điện thoại hoặc đôi khi là video call. Thậm chí, đó có thể là một hoạt động mang tính tập thể để các thành viên chia sẻ suy nghĩ và cảm nhận của mình khi chơi.
Nếu có người chơi muốn dừng lại, chủ trò sẽ đưa ra những lời đe dọa gây hại tới chính người chơi và những người thân xung quanh họ. Những người này cũng rất thận trọng khi cho phép người mới gia nhập nhóm. Thường chúng sẽ chọn những thanh thiếu niên cô độc, sống nội tâm, có tính cách trầm, hay bị bạn bè hoặc người thân cô lập. Thành viên mới phải được giới thiệu qua một người đang chơi và thông qua sự chấp thuận của người đứng đầu.
Năm 2017, Thử thách Cá voi xanh trở thành hiện tượng nguy hiểm khi là nguyên nhân gây ra hàng loạt vụ tự tử ở nhiều quốc gia từ Trung Á, châu Âu, châu Mỹ cho tới các nước châu Á. Tại Nga, nơi bắt nguồn của trò chơi, số thanh thiếu niên tự tử bởi trò chơi đã vượt quá 100 người. Rất nhiều hội nhóm chơi Thử thách Cá voi xanh đã được tìm thấy trên các ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Instagram, SnapChat, QQ… Chính quyền nhiều quốc gia đã phải lên tiếng cảnh báo các bậc phụ huynh và nhà trường, công an tăng cường theo dõi và giám sát mọi vấn đề, thông tin có liên quan tới trò chơi này.
Một phần nguyên nhân của sự lây lan nhanh chóng này bắt nguồn từ việc đây là một trò chơi có luật lệ không phức tạp và mô hình của nó có thể được sao chép, mô phỏng lại ở bất kỳ đâu. Năm 2017, ở thành phố Ninh Ba của tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, một bé gái 12 tuổi đã tự thành lập một nhóm và lôi kéo bạn bè tham gia. Khi được hỏi tại sao lại làm như vậy, cô bé trả lời: “Tôi không học giỏi ở trường và không có bạn bè. Tôi cảm thấy thấy vọng về cuộc sống”.
Hình ảnh tự rạch tay thành hình cá voi được một thiếu niên chia sẻ trên mạng.
Theo một chuyên gia tâm lý lâm sàng của trung tâm Fortis Healthcare (Ấn Độ), những người chơi tham gia các game tự sát như thế này thường là thanh thiếu niên đang trong giai đoạn biến đổi mạnh về tâm lý, hoặc bản thân xuất hiện một số vấn đề về tình cảm và ám ảnh xã hội. Khi họ cảm thấy cảm xúc của mình bị xem nhẹ, giá trị bản thân mờ nhạt, những người này bị các thử thách nói trên chú ý và hoàn toàn tập trung vào việc hoàn thành chúng. Mặc dù nhìn bề ngoài đây là các nhiệm vụ có tính chất nguy hiểm, những trò chơi này lại giúp người chơi vượt qua bản thân.
“Những thanh thiếu niên gặp khó khăn trong giao tiếp, bị ám ảnh xã hội, lòng tự trọng thấp, thiếu tự tin, trầm cảm, lo lắng, cô đơn và chịu áp lực bạn bè, có thể chuyển sang các mối quan hệ ảo như là một sự thay thế cho việc mất kết nối với cuộc sống thực”, Shailaja Shyamsukha, một nhà giáo dục và tâm lý học chia sẻ. “Ở giai đoạn này, nhiều thanh thiếu niên tò mò và muốn thoát khỏi thực tại. Những thách thức trong trò chơi giúp họ đạt được điều đó”.
Những người dễ bị lôi kéo tham gia trò chơi này thường là thanh thiếu niên ở tuổi dậy thì, có nhiều vấn đề về tâm lý.
Sau một thời gian vắng bóng, gần đây trò chơi này có xu hướng quay trở lại với nhiều cái tên khác nhau như Suicide Game (Trò chơi tự tử), The Silent House (Ngôi nhà im lặng), Sea of ​​Whales (Biển cá voi) hay Wake me up at 4:20 am (Hãy đánh thức tôi dậy lúc 4h20 sáng). Thậm chí, một số biến thể khác từ Thử thách Cá voi xanh cũng xuất hiện, như trò chơi mang tên Choking Game tại Ấn Độ với thử thách yêu cầu người chơi tự làm mình nghẹt thở.
Mới đây, chính quyền Ai Cập đã đưa ra cảnh báo về sự nguy hiểm của Thử thách Cá voi xanh, đồng thời yêu cầu Cơ quan quản lý viễn thông quốc gia thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo mọi người không thể truy cập trò chơi. Các trò chơi khuyến khích tự tử khác cũng nằm trong danh mục bị cấm và cần loại bỏ.
Trong khi đó, để cách ly các thanh thiếu niên khỏi trò chơi tự tử, ở Brazil có một trò chơi mang tên Thách thức Cá voi màu hồng (Pink Whale Challenge) với 50 thử thách có nội dung giáo dục về lòng tốt và tự yêu thương bản thân. Trò chơi được tạo ra nhằm khuyến khích mọi người thực hiện các hành vi tích cực và hào phóng, trong nỗ lực mang lại hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày của người chơi.
Mai Anh