Trí tuệ nhân tạo (AI), cùng với dữ liệu lớn, đám mây, máy học (ML) là những khái niệm được nhắc đến nhiều trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Dựa vào lượng dữ liệu lớn thu thập được, con người sẽ “dạy” máy tính “học” theo một cách nào đó, từ đó cung cấp các phân tích dựa trên trí tuệ nhân tạo thông qua nền tảng đám mây.
Chẳng hạn, một máy bay tự lái gắn camera bay qua các cánh đồng để chụp lại hình ảnh, sau đó dựa trên nền Azure của Microsoft chẳng hạn, có thể nhận định được khu vực nào đang cần được tưới tiêu. Việc này sẽ giúp con người tiết kiệm được thời gian rất nhiều, đặc biệt với những vùng đất rộng lớn.
Ông Phạm Thế Trường, CEO Microsoft Việt Nam – Ảnh: H.Đ |
Bên lề sự kiện Azure Summit 2018 hồi tuần trước tại TP.HCM, ông Phạm Thế Trường – Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam – nhận định rằng trí tuệ nhân tạo sẽ tiến vào mọi ngõ ngách của Việt Nam trong thời gian tới.
“Không như công nghệ thông tin thuần tuý chỉ tiếp cận các công ty, tổ chức lớn, trí tuệ nhân tạo sẽ đi vào từng ngõ ngách của cuộc sống. Chẳng hạn các cửa hàng nhỏ lẻ tại Việt Nam, các siêu thị, toà nhà,… đều có thể áp dụng trí tuệ nhân tạo”, ông Trường nói.
Chẳng hạn, một cửa hàng có thể gắn hệ thống camera để quan sát khách ra vào cửa hàng. Với nền tảng trí tuệ nhân tạo, hệ thống có thể quan sát và nhận biết các dấu hiệu bất thường, ví dụ có một người hàng ngày hay đi qua và dừng lại trước cửa hàng rất lâu mà không vào mua hàng. Chủ cửa hàng có thể dựa vào thông tin đó để đưa ra các quyết định của mình.
Ông Trường đưa ra một ví dụ khác trong một siêu thị. Với khoảng 100 camera thì hệ thống có thể quan sát được khoảng 1.000 khách ra vào. Camera có thể thu thập hình ảnh, phân tích và đưa ra các nhận định nhằm phục vụ cả mục đích an ninh lẫn kinh doanh của siêu thị đó.
Chẳng hạn, có siêu thị tại Mỹ áp dụng trí tuệ nhân tạo áp dụng trong bán lẻ (AI for retail). Trong đó siêu thị gắn các camera và cảm biến, để có thể nhận diện gương mặt khách đi vào siêu thị, quan sát giới tính, độ tuổi, cảm xúc của khách. Kết hợp với hệ thống cảm biến, có thể biết được trọng lượng của từng khách hàng cụ thể.
“Khác với hệ thống công nghệ thông tin trước đây đã được thiết kế sẵn, con người phải học các phần mềm đó để sử dụng, AI dựa trên cơ sở dữ liệu và con người tuỳ sức sáng tạo của mình sẽ tạo ra các sản phẩm để sử dụng”, ông Trường nói.
“Chẳng hạn người dùng phải học Microsoft Word, Excel để có thể sử dụng các phần mềm này. Cao cấp hơn, các hệ thống ERP thì cả công ty phải học cách dùng. Tuy nhiên với các nền tảng AI như Azure thì Microsoft cung cấp các khối công cụ như Lego, từ các khối Lego này người dùng xếp ra hình gì là do sức sáng tạo của họ”, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam nói tiếp.
Hiện có 3 kiểu AI phổ biến được sử dụng gồm nhận diện gương mặt, nhận diện giọng nói, phân tích hình ảnh.
Mới đây, ông Trường cho biết trong một cuộc họp của Microsoft tại Mỹ, trong khi diễn giả nói ngôn ngữ của mình thì hệ thống AI tự động chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng khác nhau cho người theo dõi hiểu. Theo ông Trường, máy dịch chính xác với độ trễ chỉ khoảng 3 giây.
Khác với cách học của con người thường dễ quên kiến thức cũ khi ngày càng tiếp nhận nhiều kiến thức mới, máy học có thể dựa trên khối lượng dữ liệu lớn để phân tích càng chính xác hơn. Càng tiếp nhận nhiều với lượng dữ liệu càng lớn, máy càng có “trí tuệ” tốt hơn, khả năng “học” tốt hơn.
Nền tảng của máy học và trí tuệ nhân tạo chính là dữ liệu lưu trữ trên đám mây. Ông Trường cho biết 5 năm gần đây các công ty đã tin tưởng hơn rất nhiều ở các dịch vụ đám mây vì độ an toàn và an ninh dữ liệu được bảo đảm. Việc lưu trữ dữ liệu của các công ty cung cấp điện toán đám mây đều tuân theo các tiêu chuẩn an ninh toàn cầu.
Đối với các quy định về dữ liệu không được đưa lên đám mây, chẳng hạn ở khối chính phủ hay ngân hàng, thì các công ty như Microsoft cung cấp dịch vụ đám mây lai. Tức dữ liệu vẫn ở máy chủ của khách hàng, không đưa lên đám mây, nhưng vẫn có các công cụ phân tích dữ liệu và dịch vụ khác trên nền đám mây nhằm tận dụng khối dữ liệu nói trên.
Ông Trường cho rằng dịch vụ AI sẽ được sử dụng nhiều nhất ở khu vực châu Á Thái Bình Dương vốn đang là điểm sáng phát triển kinh tế, trong đó có Việt Nam.
“Một gia đình Việt Nam trong tương lai có thể tận dụng AI vào các camera an ninh của họ. Chẳng hạn hàng ngày, hàng tuần hệ thống có thể báo rằng có một người lạ hay lảng vảng quanh căn nhà của bạn. Hoặc con bạn nhốt mình trong phòng vệ sinh hàng giờ liền mà không rõ lý do. Những việc như vậy bạn không thể ngồi xem video hàng giờ đồng hồ mà phải cần đến trí tuệ nhân tạo để phân tích và báo cáo kết quả”, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam nói.
Với những khối Lego AI được cung cấp, ông Trường nói, người dùng có thể nghĩ ra nhiều ứng dụng khác nhau trong mọi lĩnh vực họ có thể nghĩ ra, từ đó AI sẽ được phủ rộng khắp mọi nơi từ nhà riêng đến các cửa hàng nhỏ lẻ và dĩ nhiên có mặt ở các công ty, tập đoàn lớn.