tin liên quan
5G – cuộc chiến khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc
5G giúp người dùng tải phim và phát video trực tuyến với băng thông cao cho nhiều công nghệ, trong đó có thực tế ảo. Song ngoài các ứng dụng tiêu dùng, công nghệ còn có thể hỗ trợ cơ sở hạ tầng kết nối ở các thành phố, trong đó có ô tô tự hành. Năm 2035, 5G được dự báo tạo ra 12.300 tỉ USD sản lượng kinh tế thế giới, theo ước tính trong báo cáo gần đây của IHS Markit.
Vì vậy, không nghi ngờ gì về việc các nước đang bước vào cuộc đua thống trị công nghệ này. Đây là một yếu tố trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Đến nay, thực tế trông có vẻ như Trung Quốc đổ nhiều tiền cho nỗ lực phát triển 5G hơn là Mỹ.
Từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc chi nhiều hơn Mỹ 24 tỉ USD cho cơ sở hạ tầng 5G. Quốc gia Đông Á xây dựng 350.000 trạm di động mới, trong khi Mỹ xây chưa đến 30.000. Báo cáo của Deloitte còn lưu ý rằng Đại lục lên kế hoạch chi hàng trăm tỉ USD cho các hoạt động liên quan đến 5G.
Mỹ có thể gặp khó trong việc bắt kịp mức đầu tư của Trung Quốc. Deloitte ước tính thiết bị cần để thêm vào nhà mạng ở Trung Quốc rẻ hơn 35% so với thiết bị ở Mỹ. Điều này cho thấy Washington sẽ cần chi 2,67 lần số tiền mà Trung Quốc đang chi để có công suất mạng không dây tương đương.
“Trung Quốc và nhiều nước khác có thể đang tạo ra sóng thần 5G, gần như không thể bắt kịp”, Deloitte viết trong báo cáo. Hãng này khuyên Mỹ nên ra “khung chính sách nhẹ hơn” để giúp giảm thời gian triển khai thiết bị cần thiết cho 5G.
Deloitte cũng nói rằng các nhà mạng di động và đối tác cần hợp tác thêm. Mỹ nên có “cơ sở dữ liệu cơ sở hạ tầng truyền thông quốc gia” để chia sẻ dữ liệu giữa các bên. Hãng tư vấn nhấn mạnh rằng đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng truyền thông cơ bản rất quan trọng trong thời đại mà tiềm năng chưa khai thác của việc ứng dụng công nghệ 5G vẫn còn nhiều.