Theo SCMP, Trung Quốc muốn trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về trí thông minh nhân tạo (AI) vào năm 2030. Để đạt được điều đó, chính quyền nước này cho rằng cần trang bị sớm cho học sinh tiểu học và cả trung học các kiến ​​thức cơ bản về AI.
Mới đây, cuốn sách giáo khoa về trí tuệ nhân tạo đầu tiên đã được xuất bản, dành cho học sinh trung học. Trước đó, các sinh viên đại học đã sớm được phổ cập thông tin và giảng dạy về nội dung này. Mục đích của nó được cho là chuẩn bị trước cho một đội ngũ nhân sự trẻ về AI trong cuộc chiến mang tính toàn cầu sẽ diễn ra ở tương lai.
Cuốn sách giáo khoa về AI dành cho học sinh trung học tại Trung Quốc.
Cuốn sách giáo khoa, được phát hành vào tháng 4 vừa qua, có tên “Nguyên tắc cơ bản về trí tuệ nhân tạo”. Nó được xuất bản khoảng sáu tháng sau khi Quốc vụ viện nước này kêu gọi đưa các khóa học liên quan đến AI vào giáo dục ở bậc tiểu học và trung học.
Tác giả chính là Tang Xiaoou, giáo sư về kỹ thuật thông tin tại Đại học Trung Hoa Hương Cảng (Chinese University of Hong Kong) và là chủ tịch của tập đoàn SenseTime, start-up về trí tuệ nhân tạo đang được xem là có giá trị nhất thế giới. Cuốn sách giáo khoa này mô tả chi tiết lịch sử của AI và một số ứng dụng chính của nó, như hệ thống an ninh công cộng với khả năng nhận dạng khuôn mặt và công nghệ xe tự lái.
Khoảng 40 trường trung học trên khắp Trung Quốc, chủ yếu ở các thành phố lớn phát triển như Bắc Kinh và Thượng Hải, đã hợp tác với SenseTime để trở thành những đơn vị tham gia đầu tiên trong chương trình thí điểm giáo dục bậc trung học về AI. Trên JD.com, một trong những trang mua sắm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, cuốn sách này đã cháy hàng.
“40 trường trung học cấp cao chỉ là một sự khởi đầu. Chúng tôi sẽ giới thiệu khóa học AI cho nhiều trường học trên khắp Trung Quốc”, đại diện của SenseTime cho biết.
1.000 học sinh tham dự cuộc thi cờ vua với trí tuệ nhân tạo mang tên “1K vs AI” tại Hong Kong ngày 27/10/2017. Ảnh: David Wong.
AI, hay trí tuệ nhân tạo là công nghệ mô phỏng các quá trình tư duy thông minh của con người bằng máy móc. Nó bao gồm việc học tập, lý luận và tự sửa chữa. Công nghệ này đang trở thành một lực lượng kinh doanh mới, cùng với robot và thực tế ảo. Giá trị kinh doanh toàn cầu bắt nguồn từ AI dự kiến ​​đạt 3,9 nghìn tỷ USD vào năm 2022, theo dự báo của Gartner vào tháng 4/2018.
Một báo cáo gần đây của Viện nghiên cứu Tencent (Trung Quốc) đã đưa ra cảnh báo nhấn mạnh rằng Mỹ đang dẫn đầu các quốc gia khác về cả số lượng và chất lượng nhân sự AI. Đồng thời, Trung Quốc sẽ không thể giải quyết tình trạng thiếu nhân sự trong trong ngắn hạn mặc dù đã có nhiều thay đổi chính sách mang tính ưu tiên trong năm 2017. Các chuyên gia AI ở Trung Quốc có thể tăng lên 5 triệu người trong một vài năm tới, theo một báo cáo hồi tháng 12/2017 của Nhân dân Nhật báo, dẫn lời Zhou Ming, Phó giám đốc giáo dục thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin nước này.
Mai Anh