Đây là lần thử nghiệm tên lửa siêu thanh đầu tiên của Trung Quốc. Mẫu tên lửa này có thể đem theo nhiều đầu đạn hạt nhân và đe dọa tới các hệ thống phòng thủ của đối phương vì không kịp quan sát trên radar.
Theo truyền thông Trung Quốc đưa tin, tên lửa siêu thanh của Trung Quốc đã được thử nghiệm tại phía Tây Bắc, Trung Quốc hôm thứ Sáu (3/8) tuần trước. Tên lửa siêu thanh Starry Sky 2 sở hữu tốc độ bay gấp 6 lần âm thanh và có thể mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân.
Starry Sky 2 ban đầu được đưa lên không gian bằng tên lửa đẩy. Sau đó, Starry Sky 2 nhanh chóng tách khỏi thân tên lửa đẩy và lao nhanh tới mục tiêu đã định. Theo Học viện vũ khí không gian Trung Quốc, Starry Sky 2 có thể lao đi với tốc độ tối đa lên tới 7.344 km/giờ.
Cũng theo truyền thông Trung Quốc khẳng định, tên lửa đã hoàn thành thử nghiệm xuất sắc và đáp xuống mục tiêu giả định đúng như kế hoạch ban đầu.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức xác nhận đang phát triển vũ khí siêu thanh, mặc dù nhiều nguồn tin khẳng định, Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu loại vũ khí đặc thù này từ năm 2014. Tên lửa siêu thanh sử dụng công nghệ có tên “waverider”, một kỹ thuật dùng sóng xung kích để tạo lực nâng khí động học cho tên lửa nhằm đẩy tốc độ lên mức tối đa.

Không chỉ có Trung Quốc, Nga và Mỹ cũng là hai cường quốc đang chạy đua công nghệ sản xuất tên lửa siêu thanh.
Để chống đỡ lại tên lửa siêu thanh, tất nhiên cần có một hệ thống phòng thủ tiên tiến. Mặc dù vậy, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đang bị chỉ trích vì giá thành lớn trong khi khả năng phát hiện mục tiêu, đánh chặn tên lửa siêu thanh còn gặp nhiều hạn chế vì nhất thời, công nghệ chưa thể theo kịp.
Theo Quartz, cơ quan phòng không chống tên lửa (Missile Defense Agency) đã yêu cầu khoản chi bổ sung lên tới 120 triệu USD trong kế hoạch ngân sách năm 2019 của chính quyền Trump. Số tiền này cao hơn rất nhiều so với con số 75 triệu USD trong năm 2018 nhưng sẽ góp phần cải tiến hệ thống phòng thủ tên lửa siêu thanh của nước Mỹ.
Chia sẻ về mối tương quan quân sự giữa các nước, Đô đốc Harry Harris, cựu lãnh đạo Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ và hiện là đại sứ tại Hàn Quốc cho biết: “Nỗ lực phát triển vũ khí siêu thanh của Trung Quốc đang vượt xa chúng ta và nước Mỹ đang tụt lại phía sau”.
Thậm chí Tổng tư lệnh không quân Mỹ John Hyten kiêm chỉ huy Bộ tư lệnh Chiến lược Mỹ từng khẳng định: “Chúng ta không có bất kỳ biện pháp nào để phòng thủ được trước loại vũ khí tấn công đó”.
Hầu hết các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay trên thế giới chỉ có khả năng đánh chặn các loại tên lửa hành trình và đạn đạo, những loại tên lửa với vận tốc thấp hơn và dễ dự đoán quỹ đạo. Trong khi đó, tên lửa siêu thanh có quỹ đạo vô cùng khó lường và là thách thức lớn đối với khả năng dự đoán của hệ thống phòng thủ hiện tại.

Video vụ phóng tên lửa siêu thanh Starry Sky 2 của Trung Quốc
Tiến Thanh