Các nhà nông nghiệp của các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất hợp tác thành công với một nhóm nhà nghiên cứu Trung Quốc để tạo ra giống lúa có khả năng chịu mặn và trồng được trên sa mạc Dubai.
Trồng lúa ở các vùng sa mạc phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn, bao gồm nhiệt độ khắc nghiệt, độ mặn cao, độ ẩm thấp, thiếu nước ngọt, bão cát, thiếu đất phù hợp và thiếu nguồn tài nguyên nông nghiệp…dẫn tới việc các quốc gia tại Trung Đông luôn gặp vấn đề với nguồn cấp lương thực.
Trồng lúa ở các vùng sa mạc phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn, bao gồm nhiệt độ khắc nghiệt, độ mặn cao, độ ẩm thấp, thiếu nước ngọt, bão cát, thiếu đất phù hợp và thiếu nguồn tài nguyên nông nghiệp… (Ảnh: Adventure Emirates)
Vào tháng 11/2017, Sheikh Mohammed, cũng là người cai trị Dubai, được nghe về việc trồng thành công lúa chịu mặn ở Trung Quốc. Ngay lập tức ông nảy ra ý tưởng sẽ nhờ nhóm này tư vấn cho các nhà khoa học trong nước để phát triển một giống lúa có năng suất và khả năng chống chịu cao.
Dự án được các nhà khoa học UAE nhanh chóng triển khai với sự hỗ trợ đến từ Trung tâm nghiên cứu và phát triển lúa chịu mặn Thanh Đảo, Trung Quốc.
Thành quả của họ là 5 giống lúa mới với kết quả thử nghiệm ở Dubai hồi cuối tháng 5 cho sản lượng từ 4,8 đến 7,8 tấn/ha, cao hơn năng suất lúa bình quân của thế giới là 4,5 tấn/ha, theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp.
Giống lúa mới với kết quả thử nghiệm ở Dubai hồi cuối tháng 5 cho sản lượng cao hơn năng suất lúa bình quân của thế giới. (Ảnh: nextbigfuture.com)
Sheikh Mohammed Bin Rashid Al Maktoum, phó chủ tịch và thủ tướng của UAE, rất coi trọng việc trồng thử nghiệm thành công này. Để kỷ niệm bước đột phá lịch sử này, gạo chịu mặn thu hoạch đã được đặt tên là “Al Marmoom” (một khu vực ở Dubai), và cam kết sẽ tiếp tục đầu tư nhằm phát triển lúa chịu mặn ở các khu vực khác tại Trung Đông và Bắc Phi.
Nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu sẽ phát triển đã dạng các giống lúa chịu mặn và hướng tới việc phủ xanh ít nhất 10% lãnh thổ UAE.
Một trung tâm nghiên cứu lúa chịu mặn cho Trung Đông và Bắc Phi cũng sẽ sớm được xây dựng với mục tiêu tạo ra “các ốc đảo nhân tạo” để mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia Ả Rập bằng cách giúp họ xóa đói giảm nghèo và làm cho môi trường trở nên dễ sống hơn.
Ngọc Thuần