Apple từ lâu đã là một trong những công ty phản đối yêu cầu của chính phủ Mỹ về việc tiếp cận và xâm phạm tráp phép dữ liệu của khách hàng. Tuy nhiên trên thực tế, Apple vẫn ngầm giúp các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ truy cập dữ liệu người dùng lưu trữ trên hệ thống.
Theo Softpedia, những yêu cầu từ phía giới chức Mỹ chủ yếu xoay quanh dữ liệu được lưu trữ trên iCloud. Nguồn thông tin thu thập được sẽ sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm điều tra tội phạm và chống khủng bố.
Trong nửa cuối năm 2017, Apple đã nhận được hơn 3.358 yêu cầu trích xuất dữ liệu cá nhân. Theo báo cáo minh bạch vừa công bố của Apple, hãng đã chấp nhận thu thập thông tin của 717 trường hợp. Số dữ liệu này gồm ảnh, lịch, danh bạ, email và thậm chí cả bản sao lưu trên iCloud.
Nhưng bên cạnh đó, Apple vẫn kiên quyết không giao nộp dữ liệu của khoảng 600 trường hợp.
Thật thú vị, Apple tiết lộ họ đã nhận được không ít hơn 29,7 ngàn yêu cầu từ các cơ quan thực thi pháp luật về việc cung cấp thông tin thiết bị nhằm tìm kiếm iPhone bị mất hoặc đánh cắp. Tổng số thiết bị mà Apple bị yêu cầu phải cung cấp thông tin để phục vụ cho điều tra tính tới nay đã lên tới 309 ngàn.
Apple khẳng định, họ cũng nhận được yêu cầu cung cấp dữ liệu người dùng để phục vụ điều tra, bảo vệ an ninh quốc gia. Mặc dù công ty kiên quyết không chia sẻ bất kỳ chi tiết nào nhưng Apple tiết lộ, đã có khoảng 8 ngàn tài khoản trở thành mục tiêu của giới chức Mỹ sau hơn 16 ngàn yêu cầu được gửi tới Apple.
Tính đến nay, Apple vẫn chưa nhận được bất kỳ yêu cầu nào về việc cung cấp dữ liệu người dùng quy mô lớn.
Gã khổng lồ công nghệ nước Mỹ khẳng định, báo cáo minh bạch tiếp theo của Apple sẽ phơi bày những dữ liệu liên quan tới yêu cầu của Chính phủ Mỹ trong việc gỡ bỏ các ứng dụng trên App Store.
Tiến Thanh