28Tham vọng taxi bay của Uber táo bạo nhưng không viển vông
Công ty cung cấp dịch vụ đặt taxi qua phần mềm điện thoại Uber vừa công bố một mẫu phương tiện bay mới, không phải tàu lượn hay máy bay thông thường mà là phương tiện cất/hạ cánh chạy hoàn toàn bằng điện (eVOTL). Bước đi này thể hiện tầm nhìn của công ty có trụ sở tại Mỹ về giao thông tương lai, đó là taxi bay nhằm giải quyết vấn đề tắc đường tại các khu vực đô thị.
Taxi bay giúp giảm tắc đường, chi phí đi lại
Phương tiện cất/hạ cánh bằng điện (eVOTL) mà Uber đang phát triển là sự kết hợp giữa trực thăng và máy bay không người lái, vừa mới được trưng bày tại Hội nghị Thượng đỉnh Uber Elevate tại Los Angeles lần thứ 2.
Theo Giám đốc phụ trách sản phẩm Uber Aviation – ông Nikhil Goel, phương tiện bay chạy hoàn toàn bằng điện có thể đạt tốc độ hơn 300km/h với khả năng bay 100km/lần sạc.
Loại taxi bay đầu tiên có thiết kế vẫn cần phi công điều khiển nhưng về lâu dài, phương tiện này sẽ được nâng cấp lên tự động lái. Để vận hành taxi bay, Uber còn dự định xây dựng hạ tầng cất/hạ cánh bao gồm “thiên cảng” để phục vụ như các trung tâm trung chuyển cho các phương tiện bay.
“Chúng tôi đã bay đủ để có thể chứng minh với Cơ quan Hàng không dân dụng Liên bang Mỹ và dư luận rằng, eVTOL hoàn toàn an toàn. Uber có kế hoạch thực hiện chuyến bay thử nghiệm tại Los Angeles vào năm 2020 và bắt đầu đưa taxi bay vào thương mại hóa từ năm 2030 bằng phương thức gọi taxi theo nhu cầu tương tự như dịch vụ gọi ô tô hiện nay. Nhiều công ty khác đang phối hợp cùng Uber để phát triển cùng loại thiết bị bay.
Ông Eric Allison, người đứng đầu Chương trình Hàng không của Uber cho biết, phương tiện bay là một phần trong chiến lược tổng thể cho phép người dân di chuyển thuận tiện mà không cần phương tiện cá nhân.
Ngoài lợi ích cắt ngắn chặng đường, thời gian di chuyển, theo Uber, dịch vụ này còn mở ra nhiều lựa chọn về tuyến đường và giảm chi phí nâng cấp hệ thống giao thông để giải quyết tắc đường. Cụ thể, giá sản xuất các sân cất/hạ cánh sẽ rẻ hơn chi phí xây dựng cầu, đường, đường ray.
“Về lâu dài eVTOL cũng là hình thức giao thông hàng ngày hợp túi tiền, thậm chí rẻ hơn sở hữu một chiếc ô tô”, phía Uber nhận định. “Chúng tôi muốn giảm giá phương tiện thấp đến mức người tham gia giao thông có thể quên đi việc tự lái xe”, người đứng đầu bộ phận hàng không của Uber Eric Allison nói.
Đánh giá về tiềm năng phát triển của taxi bay nói chung và eVTOL của Uber nói riêng, ông Jaiwon Shin đến từ Phòng Nghiên cứu hàng không vũ trụ của NASA cho biết: “Vận tải hàng không trong đô thị có thể cách mạng hóa cách người dân và hàng hóa được di chuyển trong nội đô, sẽ thay đổi chóng mặt phong cách sống của chúng ta, đúng như cách điện thoại thông minh đã từng làm”.
Chướng ngại lớn nhất ở đâu?
Taxi bay là tham vọng táo bạo đặt ra cho Uber và các công ty có cùng chí hướng nhiều thách thức ở cả vấn đề kỹ thuật và quy định quản lý như tiếng ồn, độ cao và mức phát thải.
Chướng ngại lớn nhất đối với taxi bay phần lớn nằm ở các quy định về không phận, Giám đốc quản lý hoạt động Uber Jeff Holen cho biết. Dù vậy, ông Holen tin: “Khi công nghệ hiện hữu, chúng ta có thể giải quyết những khó khăn đó”. Đã có 3 thành phố hiện đại là: Dubai, Dallas và L.A cho phép công ty này đưa phương tiện eVOTL tới bay thử.
Ngoài ra, Uber đang hợp tác với Cơ quan Hàng không vũ trụ Quốc gia (NASA) để tạo ra hệ thống kiểm soát không lưu, ngăn chặn taxi bay đâm vào nhau hay va phải các tòa nhà cao tầng, máy bay và chim.
Thực tế, đã từng xảy ra nhiều vụ máy bay không người lái (drone) và máy bay chở khách suýt va chạm, đặt ra rủi ro về thương vong vô cùng lớn, buộc Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ phải thắt chặt quy định quản lý với drone.
Dù vậy, Giám đốc điều hành Uber Dara Khosrowshahi vẫn tự tin: “Chúng tôi nghĩ, các thành phố trên thế giới sẽ đi theo xu hướng trên không trong tương lai và chúng tôi muốn biến điều đó thành hiện thực”.
Trang Trần