Video phần thi chung kết và phỏng vấn đội vô địch là UET Fastest đến từ ĐH Công nghệ – ĐH Quốc gia Hà Nội.
Tối 17/5, 8 đội thi đến từ 6 trường Học viện Kỹ thuật quân sự, ĐH FPT, ĐH Công nghệ – ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Bách Khoa TP.HCM và ĐH CNTT – ĐH Quốc gia TP.HCM đã thi đấu trận chung kết cuộc thi lập trình xe tự hành “Cuộc đua số” năm 2017 – 2018. Tham dự sự kiện có lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng hơn 1.000 sinh viên.
Ở phần chi chung kết, các đội đã trải qua 2 vòng thi đấu. Ở vòng một, 8 đội bốc thăm để chia thành 4 cặp thi đấu; mỗi cặp sẽ thi đấu 1 lượt trên 2 đường đua độc lập. Sau đó, 4 đội có số điểm cao nhất (được tính dựa trên thời gian ngắn nhất mà đội đã hoàn thành 1 vòng đua hoàn chỉnh) được lựa chọn vào vòng thi đấu thứ hai. Ở vòng đấu thứ hai, 4 đội tiếp tục thi đấu theo cặp và loại trực tiếp, chọn ra 2 đội thắng cuộc bước vào trận chung kết để tìm ra nhà vô địch.
Chiếc xe tự hành của đội UET Fastest đã giành chức vô địch đúng như từ khóa “nhanh nhất” trong tên đội.
Kết quả, đội UET Fastest đến từ ĐH Công nghệ – ĐH Quốc gia Hà Nội đã trở thành nhà vô địch của “Cuộc đua số” mùa giải 2017 – 2018, nhận phần thưởng 450 triệu đồng cùng một chuyến tham quan Nhật Bản. Giải nhì thuộc về đội Winwin Sprial – ĐH FPT, hai đội đồng giải ba là đội MTA_ Race4Fun – Học viện Kỹ thuật Quân sự và đội Prototype – ĐH FPT.
Trải qua 6 tháng luyện tập và thi đấu, các sinh viên đã từng bước chinh phục các bài toán công nghệ của xe tự hành với mức độ khó tăng dần. Ban đầu, các thí sinh được tiếp cận với những kiến thức cơ bản về xử lý ảnh, trí tuệ nhân tạo, rồi sau đó được hướng dẫn thực hành trên xe ô tô mô hình có kích thước bằng 1/10 xe thật.
Nếu như ở vòng bán kết, xe do các bạn sinh viên lập trình mới chỉ có khả năng di chuyển trên đường có làn, xác định và tránh được vật cản, nhận dạng và đi đúng theo chỉ dẫn của biển báo rẽ trái và rẽ phải; thì đến vòng chung kết, xe của các đội đã có thể đi trên các đường có địa hình phức tạp như có hàng đinh, có vạch kẻ đường hoặc kẻ nét đứt,… Ngoài biển rẽ trái, rẽ phải, xe còn có thể nhận biết thêm biển dừng lại. Đặc biệt, các biển báo tự động thay đổi ngẫu nhiên qua từng lượt chạy để đảm bảo chính xác khả năng nhận biết biển báo của từng đội.
Theo đại diện ban tổ chức đến từ Tập đoàn FPT, với sự dịch chuyển chủ yếu sáng tạo từ phần cứng lên 90% thuộc về phần mềm, ô tô sẽ là một trong những ngành có sự thay đổi mạnh mẽ nhất trong cuộc cách mạng 4.0. Trong xu thế đó, Việt Nam không chỉ là nguồn cung cấp nhân lực công nghệ trẻ cho cuộc cách mạng 4.0 mà sẽ trở thành trung tâm của ngành công nghiệp phần mềm ô tô toàn cầu.
“Sinh viên Việt Nam có khả năng học hỏi và nắm bắt công nghệ rất nhanh. Cuộc đua số sẽ giúp các bạn rút ngắn thời gian thực hành và phát triển công nghệ xe tự hành do được thừa hưởng mã nguồn mở từ các thí sinh năm trước. Tôi tin rằng từ Cuộc đua số, sẽ có nhiều bạn sinh viên sẽ trở thành lực lượng nòng cốt, tiên phong tham gia chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu, góp phần đưa Việt Nam có vị trí xứng đáng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, ông Lê Hồng Việt – Giám đốc Công nghệ FPT nhận định.
Theo Ngọc Phạm (Dân Việt)