Trong một động thái khá bất ngờ, CEO Satya Nadella của Microsoft đã lên tiếng chỉ trích 2 đại địch thủ Google và Amazon. Những phát súng đầu tiên đã được vị CEO gốc Ấn vốn được biết đến là người rất nền nã và lịch thiệp “bắn” đến 2 đối thủ trong mảng dịch vụ đám mây:
Phóng viên CNBC: Ở đây tôi sẽ đọc các tín hiệu ngầm. Tôi thường nghe câu chuyện về các công ty bán lẻ tìm đến Microsoft bởi vì, giờ thì Amazon đã kinh doanh cả thực phẩm rồi. Các công ty bán lẻ phải dè chừng, họ băn khoăn ‘Amazon có nền tảng [đám mây] tốt, nhưng cùng lúc, liệu Amazon có tấn công vào mảng kinh doanh cốt lõi của chúng ta không?
Satya Nadella: Đúng vậy, và không chỉ là Amazon. Anh cần phải nhớ rằng cả Amazon và Google đều có khả năng thao túng giao dịch rất giỏi. Google chẳng hề thân thiện với các nhà bán lẻ [hơn Amazon]. “[Amazon và Google] đều nắm các thị trường hai mặt, và họ có thể bao cấp một mặt để đem lại lợi ích cho mặt còn lại.
Điện toán đám mây: chiến trường khốc liệt của Amazon, Microsoft và Google.
Có lẽ, nếu chỉ chọn ra một lý do duy nhất để Microsoft chiến thắng trong cuộc chiến đám mây sắp tới, đó sẽ chính là quan sát của Satya Nadella. Với bản chất là “cửa hàng bán tất cả mọi thứ”, Amazon đang ngày một bành trướng ra các mảng kinh doanh vốn nằm ngoài danh mục của công ty này trong những năm trước. Sau thương vụ mua Whole Foods chẳng hạn, Amazon đã ngay lập tức trở thành đối thủ của các công ty bán thực phẩm. Hoặc, với truyền thống bán nhạc số, Amazon đang đẩy đối thủ Spotify của mình vào một tình cảnh không mấy dễ chịu, do Spotify phải dùng đến đám mây AWS để stream nhạc.
Còn với Google, vị CEO của Microsoft đã chỉ ra một sự thật không mấy dễ chịu: Google có thể dùng mức giá hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp lên đám mây GCP, nhưng các doanh nghiệp này càng thành công thì chi phí quảng cáo sẽ càng gia tăng. Mô hình tính giá quảng cáo dựa trên “đấu giá” của Google AdWorks và AdSense là đối tượng bị Satya Nadella chỉ trích nặng nề, theo đó người dùng Google Cloud Platform thực chất đang “tự bao cấp lại khoản thuế gia tăng cho chính mình”.
Amazon kinh doanh tất cả mọi thứ và như thế có vô số đối thủ – những người sẽ là khách hàng tiềm năng của Microsoft.
Hiển nhiên, Microsoft của ngày hôm nay hoàn toàn đối lập với Amazon và Google. Dù các mảng Windows và Office vẫn đang chiếm phần quan trọng trong báo cáo hàng quý, gã khổng lồ phần mềm thực chất đang dịch chuyển dần sang tầm nhìn đám mây và doanh nghiệp. Tất cả các mảng kinh doanh của Microsoft thực chất đều mang tính chất tương thích với hoạt động của khách hàng doanh nghiệp, và bởi vậy, Microsoft sẽ chẳng bao giờ biến mình thành đối thủ của chính khách hàng như Amazon.
Còn mảng quảng cáo đã bị CEO Steve Ballmer cắt bỏ từ năm 2012. Microsoft vẫn sẽ có nhiều cách khác để thu tiền từ khách hàng sử dụng đám mây Azure của hãng này (bản quyền Office chẳng hạn), nhưng tất cả những cách thu tiền đó đều sẽ không bị thao túng một cách bí hiểm như mô hình đấu giá trên AdWords và AdSense của Google. Và bất kỳ ai cũng có thể nhận ra rằng do không kinh doanh quảng cáo nên mức độ bảo vệ quyền riêng tư của Microsoft cũng sẽ tốt hơn Google.
Đây chính là điểm khác biệt giữa Microsoft và Google hay Amazon: Microsoft chỉ là một công ty nền tảng. Microsoft sẽ chỉ tạo ra nền móng (bằng đám mây hay Windows, Office) để các doanh nghiệp khác có thể phát triển. Sẽ không bao giờ có chuyện Microsoft quay ra cạnh tranh với khách hàng của Azure hay “hút máu” bằng quảng cáo như Google và Amazon.
Dưới bàn tay của Satya Nadella, Microsoft đã thực sự thay da đổi thịt.
Cũng không phải đợi đến khi Satya Nadella lên tiếng “đá xoáy” Amazon và Google thì các nhà hoạch định IT mới nhận ra rằng Azure đang là một trong những lựa chọn đám mây hấp dẫn nhất hiện nay. Trong quý vừa qua, khi AWS chững lại thì Azure đã tiếp tục duy trì mức tăng trưởng trên 90%. Còn thị phần của Google mới chỉ ở mức 1 chữ số và vẫn chưa thể coi là đối thủ của 2 gã lớn dẫn đầu.
Chặng đường phía trước vẫn còn rất dài để Microsoft có thể thực sự lật đổ được Amazon trong cuộc chiến đám mây. Thế nhưng, Amazon về bản chất vẫn chỉ bán sức mạnh đám mây, còn Microsoft đã có một loạt các dịch vụ phần mềm doanh nghiệp phổ biến như Office 365, Exchange hay SharePoint. Những thế mạnh này, kết hợp với nỗi lo sợ rằng một ngày nào đó Amazon sẽ nhảy vào cạnh tranh với chính khách hàng đám mây của mình, chắc chắn sẽ có ngày đưa công ty của Satya Nadella lên đỉnh cao. Microsoft muốn dùng Android để siết chặt quyền kiểm soát “vô hình” lên thế giới