Tập đoàn Viettel sắp khai trương mạng di động tại Myanmar vào ngày 9/6, với thương hiệu Mytel. Đây là thị trường quốc tế thứ 10 và có quy mô dân số lớn nhất mà Viettel từng đầu tư (gần 53 triệu người).
Trong năm đầu tiên, Mytel đầu tư cho hạ tầng viễn thông với hơn 7.000 trạm thu phát sóng 4G và hơn 30.000 Km cáp quang. Tại Myanmar, Mytel là mạng di động đầu tiên và duy nhất phủ sóng 4G trên phạm vi toàn quốc khi khai trương.

Trước Mytel, ở Myanmar đã hiện diện những nhà mạng như MPT của Nhà nước Myanmar với 42% thị phần, Telenor (Nauy) chiếm 35% thị phần và Ooredoo (Qatar) với 23% thị phần. 
“Mật độ điện thoại của Myanmar chưa quá dày đặc và lại mới mở cửa, kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nên cơ hội cho viễn thông nói chung và Viettel nói riêng là rất lớn. Trong năm 2018, chúng tôi đặt mục tiêu có 2-3 triệu khách hàng tại Myanmar”, ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết.

Viettel phu song 4G toan lanh tho Myanmar
Một cậu bé bán SIM điện thoại trên bến phà ở Yangon, Myanmar. Nhà mạng MPT, Ooredoo và Telenor là những cái tên đã đến trước Mytel và có nhiều thị phần ở đất nước gần 53 triệu dân. Ảnh: Duy Tín. 

Mytel là thương hiệu của Telecom International Myanmar, công ty liên doanh giữa Viettel Global với 2 đối tác địa phương, Star High Public Company và Myanmar National Telecom Holding Public (MNTH).
Tổng vốn đầu tư của dự án là 1,5 tỷ USD, chiếm 66% tổng vốn đăng ký đầu tư của Việt Nam vào Myanmar. Với dự án này, Việt Nam trở thành nhà đầu tư lớn thứ 2 của khu vực ASEAN đầu tư vào quốc gia này (tính đến hết tháng 6/2017).
Myanmar cũng là quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, được mệnh danh “mảnh đất vàng cuối cùng của châu Á”. Từ một quốc gia có tỷ lệ sử dụng điện thoại di động thấp nhất thế giới (chỉ sau Triều Tiên), nhờ chính sách mở cửa, tỷ lệ SIM di động trên đầu người tăng từ 10-90% chỉ sau 3 năm. Tổng số lượng thuê bao data tăng từ 600.000 lên tới hơn 16 triệu.

Trước khi Viettel công bố phủ sóng 4G toàn lãnh thổ tại Myanmar, Zalo và FPT cũng đã đặt chân đến thị trường này và đạt được một số thành quả. Năm 2016, sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, đội ngũ Zalo đã phát triển ứng dụng nhắn tin OTT đầu tiên hỗ trợ ngôn ngữ địa phương tại Myanmar. Chỉ sau 4 tháng thâm nhập thị trường, Zalo đã đạt 2 triệu người dùng trong năm 2016 và vẫn đang tiếp tục phát triển.
Đầu năm 2017, FPT đã trở thành công ty 100% vốn nước ngoài đầu tiên giành được tấm vé triển khai hạ tầng viễn thông tại Myanmar với gói thầu trị giá 11,3 triệu USD.

VietBao.vn