VinaPhone là nhà mạng đầu tiên triển khai chính thức IPv6 cho thuê bao 4G
Ông Nguyễn Tiến Huy – Ban Công nghệ mạng, Tập đoàn VNPT chia sẻ về phương án, giải pháp chuyển đổi IPv6 cho mạng di động VinaPhone tại hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam năm 2018.

Thông tin từ Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), thường trực Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia cho hay, trong năm 2017 cũng như 4 tháng đầu năm nay, cùng với FPT Telecom, ở mảng băng rộng cố định, VNPT được đánh giá là doanh nghiệp có kết quả triển khai IPv6 tiêu biểu, có tỷ lệ tăng trưởng bứt phá. Theo thống kê, hiện VNPT đã triển khai dịch vụ IPv6 cho hơn 1 triệu khách hàng hộ gia đình sử dụng dịch vụ băng rộng cố định. Tỉ lệ ứng dụng IPv6 của VNPT đã tăng trưởng từ 7% đầu năm 2018 lên khoảng 15% vào thời điểm đầu tháng 5/2018, với khoảng 2,4 triệu người dùng IPv6.
“Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, VNPT đã thử nghiệm thành công triển khai dịch vụ 4G LTE trên nền tảng IPv6. Và theo kế hoạch đã đăng ký với Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, VNPT sẽ chính thức triển khai IPv6 cho dịch vụ 4G LTE trong năm nay”, đại diện VNNIC cho hay.
Trong thông tin chia sẻ phương án, giải pháp chuyển đổi IPv6 cho mạng di động VinaPhone, ông Nguyễn Tiến Huy – Ban Công nghệ mạng, Tập đoàn VNPT cho biết, trên cơ sở nhận thức rõ sự cần thiết phải triển khai IPv6 trên mạng di động, VNPT đã xác định sẽ triển khai IPv6 cho cả dịch vụ di động 3G, 4G.
Tuy nhiên, theo ông Huy, trong tương lai gần, VNPT xác định duy trì song song IPv4/IPv6 và chắc rằng phương án này sẽ còn tồn tại trong một thời gian khá dài, chưa xác định thời điểm sẽ tắt hoàn toàn IPv4.
“Qua tham khảo tiêu chuẩn và kinh nghiệm của các nhà mạng và kinh nghiệm của nội bộ VNPT, chúng tôi lựa chọn triển khai Dual stack IPv4/IPv6 đồng thời. Vì thế, các dịch vụ IPv4 sẽ hoàn toàn không ảnh hưởng. Triển khai thêm IPv6, chúng tôi chỉ phải cấu hình thêm về thiết bị mạng. qua kiểm nghiệm mạng lưới VNPT cho thấy về cơ bản, hiệu năng thiết bị mạng không bị ảnh hưởng nhiều”, ông Huy nói.
Cho biết việc triển khai mô hình IPv6 Dualstack trên mạng di động khá dễ dàng, không ảnh hưởng đến thiết bị đầu cuối, ông Huy cũng thông tin thêm, với mạng truyền tải, gần như nhà mạng này không phải tác động nhiều, chủ yếu chỉ tác động trên các phần tử kết cuối dịch vụ. Ví dụ, với riêng dịch vụ di động 3G, 4G, sẽ phải tác động trên các phần tử PGW, DNS, HLR/HSS, SGSN/MME, Firewall, thiết bị handset, mạng truyền tải IPCore và đặc biệt là hệ thống tính cước để hỗ trợ thống kê lưu lượng IPv6 phục vụ các mục đích liên quan đến nghiệp vụ của nhà mạng.
Đại diện Ban công nghệ mạng của VNPT chia sẻ kinh nghiệm triển khai: sau khi rà soát, kiểm nghiệm, đánh giá toàn bộ mạng lưới, VNPT nhận thấy, về phần thiết bị, việc hỗ trợ gần như đã đầy đủ; tiếp theo phải tính đến một nội dung nữa rất quan trọng, đó là quy hoạch các khoảng, dải địa chỉ IPv6 di động cho từng mảng dịch vụ.
“Việc này cần được thực hiện ngay từ khi còn chưa thực sự triển khai IPv6 trên mạng lưới. Quy hoạch tốt IPv6 cũng tốt cho nhiều vấn đề như: tránh phân mảnh; đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong tương lai; thuận tiện quản lý, quy hoạch. Và trong mỗi dịch vụ, chúng tôi thực hiện quy hoạch tiếp theo vùng địa lý căn cứ thiết kế mạng, chính sách định tuyến, vận hành khai thác…”, ông Huy chỉ rõ.

Từ thực tế của đơn vị mình, đại diện Ban công nghệ mạng – VNPT nhận định, trong triển khai IPv6 trên mạng di động, đối với nhà mạng, việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng là phần quan trọng nhất song sự hỗ trợ từ các nhà sản xuất thiết bị đi động cũng là yếu tố có ý nghĩa then chốt để đưa được dịch vụ đến được với người sử dụng. Nhận thức rõ điều này, VNPT đã sớm làm việc với các hãng sản xuất thiết bị khác để activate IPv6 trên thiết bị đầu cuối có hỗ trợ IPv6.
Thời điểm hiện tại, với các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android từ 5.0 trở lên đã hỗ trợ IPv6. Còn với thiết bị iPhone của Apple, những máy chưa được jailbreak thì mặc định là khóa tính năng IPv6 và hiện tại cũng chưa có cách nào để kích hoạt được cho những thiết bị này.
Ngoài ra, để đảm bảo hỗ trợ đầy đủ cho thiết bị của người dùng có thể sử dụng trên mạng 4G của VinaPhone, VNPT đều đã liên hệ, có thông báo với các hãng sản xuất thiết bị di động phổ biến hiện nay như Apple, Samsung, Nokia (HMD Global), Lenovo, Oppo, Asus, HTC, Sony… về việc kích hoạt và thử nghiệm IPv6.

VinaPhone là nhà mạng đầu tiên triển khai chính thức IPv6 cho thuê bao 4G
Theo đại diện VNPT, thời điểm hiện tại, tất cả các thuê bao 4G của VinaPhone đều đã có thể kích hoạt tính năng sử dụng IPv6 trên thiết bị di động của mình (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Cập nhật về kết quả triển khai IPv6 trên mạng di động VinaPhone, đại diện Ban công nghệ mạng của VNPT cho biết, hiện nay VNPT đã chính thức triển khai IPv6 cho dịch vụ di động 4G LTE. Như vậy, VinaPhone đã trở thành nhà mạng di động đầu tiên của Việt Nam chính thức triển khai dịch vụ IPv6 cho thuê bao 4G LTE. Tính đến đầu tháng 5/2018, Tập đoàn VNPT đã có tới 134.164 thuê bao 4G LTE của mạng VinaPhone sử dụng IPv6 với lưu lượng IPv6 cho di động đạt 2.025.208 kbit/s.
Cũng theo chia sẻ của Tập đoàn VNPT, tất cả các thuê bao 4G của VinaPhone đều có thể kích hoạt tính năng sử dụng IPv6 trên thiết bị di động của mình. Đây là tín hiệu đáng mừng cho kết quả triển khai IPv6 cho dịch vụ di động 4G LTE nói riêng và công tác triển khai IPv6 Việt Nam nói chung.
Về kế hoạch triển khai IPv6 cho mạng di động VinaPhone trong thời gian tới, VNPT dự kiến ngay trong năm nay sẽ thử nghiệm phương án thuần IPv6 (IPv6 only) trên mạng VinaPhone ở phạm vi hẹp. Trên cơ sở đó, VNPT sẽ đánh giá tồn tại, khó khăn và lập kế hoạch triển khai IPv6 only trên mạng di động. Dự kiến vào năm 2019, VNPT sẽ triển khai IPv6 only trên mạng di động VinaPhone.
Trong kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6 năm 2018 của Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia được Bộ TT&TT ban hành giữa tháng 2/2018, Ban công tác đã yêu cầu các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép 4G trong năm nay triển khai và mở rộng cung cấp dịch vụ IPv6 cho thuê bao di động 4G LTE.
Kết luận hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam năm 2018 chủ đề “IPv6 với 4G LTE và Dịch vụ Nội dung” diễn ra vào chiều 4/5 tại Hà Nội, ông Trần Minh Tân – Giám đốc VNNIC, Phó Trưởng ban Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã đề nghị các doanh nghiệp di động (Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile) mạnh dạn triển khai cung cấp chính thức dịch vụ di động 4G LTE cho thuê bao di động; các doanh nghiệp triển khai IPv6 cho mạng 4G LTE, không nên triển khai cho mạng 3G – đây cũng là xu thế triển khai IPv6 cho mạng di động trên thế giới. Đồng thời, Ban công tác cũng giao VNNIC và Cục Viễn thông tiếp tục giám sát, khuyến khích, yêu cầu, thậm chí bắt buộc (trong cấp, gia hạn giấy phép viễn thông) các doanh nghiệp triển khai thực tế dịch vụ IPv6 trên mạng di động 4G LTE.

M.T