Những con chip tầm trung luôn nhận được sự chú ý của nhiều người tiêu dùng. Dù là những con chip desktop như Intel Core i5 hay AMD FX, hay những con chip SoC dành cho các thiết bị di động, nếu được ép xung đúng cách và hợp lý, bạn sẽ có được những trải nghiệm mới mẻ: phần cứng cấp thấp trở nên hữu dụng hơn, và phần cứng cao cấp sẽ như “hổ mọc thêm cánh”.
Qualcomm là một trong những công ty hiếm hoi tạo ra những con chip như vậy. Và với chip Snapdragon 710 sắp ra mắt, Qualcomm đã làm tốt hơn cả mong đợi. Snapdragon 710 không đơn thuần là một bản nâng cấp tốt hơn của dòng Snapdragon 600; nó là một loại sản phẩm hoàn toàn mới với tiềm năng thay đổi cả thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
Một bản rút gọn của Snapdragon 845
Trên lý thuyết, Snapdragon 710 là một SoC tầm trung cực tốt. Còn trên thực tế, bạn có thể xem nó là một SoC cao cấp giá phải chăng, với nhiều tính năng được lấy từ dòng Snapdragon 800 – dòng chip được trang bị trên các điện thoại cao cấp như Google Pixel hay Samsung Galaxy S, hay bất kỳ chiếc điện thoại nào với mức giá khoảng 1.000 USD.
Dòng Snapdragon 600 vốn có chất lượng rất tốt so với mức giá của chúng. Với dòng chip nay, các nhà sản xuất có thể hạ giá thành sản phẩm mà vẫn đảm bảo smartphone của mình có đủ sức mạnh để xử lý hầu như mọi tác vụ mà người dùng muốn smartphone của họ thực hiện. Nhưng giữa dòng 600 và 800 lại có một khoảng trống lớn về mặt hiệu năng, đặc biệt khi xét đến những thứ khác ngoài hiệu năng thuần trên mỗi chu kỳ xung nhịp. Đó là những tiêu chí quan trọng tương đương với hiệu năng, như tốc độ xử lý hình ảnh và tốc độ mạng – những điểm mà dòng Snapdragon 800 thể hiện rõ ưu thế so với bất kỳ con chip nào khác mà Qualcomm cung cấp.
Đó cũng là những điểm mà Snapdragon 710 toả sáng. Ngay từ đầu, nó đã được thiết kế để mang đến hiệu năng đẳng cấp flagship với mức giá không hề “flagship” chút nào. 710 được sản xuất trên quy trình 10nm giống 845 (và các con chip sau này thuộc dòng 800), có nghĩa là nó cực kỳ hiệu quả về mặt năng lượng. “Hiệu quả về mặt năng lượng” ở đây không chỉ nói về thời lượng pin tốt hơn, mà nó còn ảnh hưởng đến mức độ toả nhiệt và độ bền của hầu như mọi linh kiện khác trên bảng mạch điện thoại và pin máy. Nếu đây là thay đổi duy nhất so với dòng SoC 600 thì cũng là quá đủ. Thời lượng pin tốt hơn, hiệu năng cao hơn trong thời gian lâu hơn, và độ bền của mọi phần cứng khác cũng được tăng lên; chẳng có gì để phàn nàn cả.
Nhưng thú vị thay, đó không phải là thay đổi duy nhất. Một SoC di động không chỉ gồm CPU. Nó là một khối phần cứng được hàn vào một bảng mạch, bao gồm CPU, GPU, nhiều loại chip xử  lý tín hiệu, và các linh kiện mạng. Snapdragon 710 sử dụng các linh kiện thế hệ mới nhất, giống như 845 – một điều chẳng ai ngờ tới.
Hãy xem kỹ hơn về thông số của Snapdragon 710: SoC này sử dụng cấu hình CPU BIG.little với cùng số lượng nhân hiệu năng cao như dòng 800, kết hợp với các nhân mới dựa trên thiết kế CPU A55. Nó còn có GPU Adreno từ dòng 600, DSP Hexagon 685, ISP Spectra 200, bộ nhớ đệm hệ thống tích hợp trên mạch, modem LTE X15 được nâng cấp, và các mạch hỗ trợ HDR 10-bit. Những linh kiện này vốn chỉ được thấy trên dòng Snapdragon 800, không phải trên một con chip tầm trung.
Trải nghiệm thực tế, những thông số trên dẫn đến một vài nâng cấp quan trọng so với “nhà vô địch” chip tầm trung trước đây – Snapdragon 600. Ảnh của bạn sẽ được xử lý với cùng một engine như Galaxy S9, cũng có các hiệu ứng đặc sắc như bokeh và chế độ chân dung. Âm thanh cũng vậy. Các tính năng liên quan modem như 4X4 MIMO và LAA cũng là những thứ vốn chỉ xuất hiện trên dòng chip 800, mang lại tốc độ kết nối dữ liệu nhanh hơn, dù giới hạn hiện tại “chỉ” ở mức 800 Mbps. Các mạch 10-bit cũng sẽ cho phép chụp ảnh/quay phim, và hiển thị các nội dung HDR, với khả năng kết hợp tốt với một GPU có khả năng xử lý 4K ở 30/60fps trong khi sử dụng ít năng lượng hơn hẳn so với chip 660.
Đây rõ ràng không phải là một con chip tầm trung mà chúng ta vẫn thường biết đến.
Một lớp điện thoại hoàn toàn mới
Một điều mà Snapdragon 710 mang lại là cho phép các công ty sản xuất ra các điện thoại “dùng ngon” với giá chưa tới 1.000 USD.
Xin phép các iFan được lấy Apple làm một ví dụ. Chiếc iPhone 8 thực sự là một chiếc flagship “đáng đồng tiền bát gạo” của năm 2018. Hiệu năng của nó ngang ngửa với Glaxy S9 và Pixel 2, xứng đáng là một trong những chiếc điện thoại tốt nhất mà bạn có thể mua trong năm 2018. Nhưng nó không hề đắt, không như iPhone X.
Chip Snapdragon 710 sẽ cho phép Samsung có thể tạo ra một chiếc Galaxy SX (gọi tạm tên vậy thôi) với khả năng thực hiện mọi thứ chúng ta mong đợi mà không có mức giá điên rò như Galaxy S9. Họ có thể dành con chip mới nhất thuộc dòng Snapdragon 800 cho chiếc Note X và bán nó cho những người dùng muốn hiệu năng cao nhất và chịu chi nhất.
Snapdragon 845 được thiết kế để có thể “gánh” được laptop Microsoft Windows, với hàng tá thứ nặng nề như Direct X và các ứng dụng nền cả 32-bit lẫn 64-bit. Nhiều linh kiện được sử dụng trên SoC 845 không thể phát huy được toàn bộ sức mạnh khi được trang bị cho một chiếc điện thoại. Nói dễ hiểu hơn, bạn không cần đến Snapdragon 845 để giúp Galaxy S9 hoạt động tốt, nhưng Snapdragon 660 thì lại chưa đủ mạnh. Vì thế, Snapdragon 710 xuất hiện để lấp vào khoảng trống đó, với sức mạnh phần cứng đủ dùng, và khiến mọi người đều vui!
Có phải tôi đang nói quá lên không? Có thể, vì đó là nghề của tôi mà. Khả năng cao là chiếc flagship tiếp theo đến từ một công ty nào đó sẽ được trang bị một SoC mới nhất thuộc dòng 800, và chắc cú là họ sẽ nhấn mạnh điều đó trong bảng thông số sản phẩm và tại sự kiện ra mắt. Nhưng bạn, một người tiêu dùng, cần biết rằng điều đó là không cần thiết, và nếu chiếc flagship đó sử dụng Snapdragon 710, nó sẽ không nhận được sự chú ý như dự kiến, dù đó lại là mọi thứ bạn cần và muốn. Và nó cũng sẽ không có giá cao ngất ngưỡng cả ngàn USD đâu!
Tham khảo: AndroidCentral Qualcomm ra mắt chip cận cao cấp Snapdragon 710, hiệu năng cao hơn Snapdragon 660 20, gấp đôi hiệu năng AI, phát video 4K HDR