Cuộc chạy đua vũ trang thời Chiến tranh Lạnh đã cho ra đời nhiều loại bom có sức phá hủy khủng khiếp, đặc biệt là loại bom nhiệt hạch, mạnh hơn bom nguyên tử cả nghìn lần. Ước tính trên thế giới hiện nay có khoảng 15.000 vũ khí hạt nhân, đủ sức phá hủy hành tinh của chúng ta tới vài trăm lần.
Hủy diệt không giới hạn
Ngày 6/8/1945, khi quả bom nguyên tử Little Boy thả xuống Hiroshima, trong vài giây nó đã tạo ra làn sóng xung kích lan rộng trong bán kính 1,6 km, phá hủy hoàn toàn 90% cơ sở hạ tầng của thành phố.
Nhiệt độ tại tâm nổ của Little Boy lên tới 300.000 oC, thổi bay người và vật không để lại dấu vết, khiến một vùng rộng tới 4,4 km2 trở thành hỏa ngục. Bức xạ nhiệt được giải phóng khi bom nguyên tử phát nổ truyền đi xấp xỉ với tốc độ ánh sáng, khiến nhiều nạn nhân bị bỏng nặng dẫn tới tử vong ngay cả khi cách tâm nổ rất xa.
Bom nguyên tử có tên Little Boy được thả xuống Hiroshima. (Ảnh: Masterpiecemodels.com)
Phóng xạ nguyên tử để lại những hậu quả lâu dài cho con người và môi trường xung quanh trong nhiều thế hệ. Chất phóng xạ có thể xuyên qua cơ bắp, tích tụ trong mô xương, phá hủy tế bào sống, phá hủy cấu trúc ADN, gây đột biết gene, ung thư, dị dạng, nhiều loại bệnh quái ác, và di truyền cho nhiều thế hệ sau.
Vụ nổ cũng tạo nên những đám mây khổng lồ hình nấm dội ngược lên không trung và tạo thành bụi phóng xạ theo gió phát tán xa tới vài trăm kilomet biến nhiều nơi thành vùng đất chết. Chúng cũng có thể ngưng tụ lại và tạo nên những trận mưa phóng xạ vô hình. Phóng xạ nguyên tử có thể phá hủy cấu trúc phân tử của bất kể vật chất nào, do vậy khi thực phẩm bị nhiễm phóng xạ nó sẽ biến thành chất độc, thậm chí cực độc cho con người.
Đám mây hình nấm hình thành khi Little Boy phát nổ. (Ảnh: Newsweek)
Hơn 40 năm sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, những ngôi làng xung quanh không thuộc phạm vi vùng nguy hiểm, cách nhà máy Chernobyl khoảng hơn 50 km vẫn chịu ảnh hưởng bởi nguồn thực phẩm bị nhiễm độc từ thực vật và sữa bò. Ngôi làng Zalyshany không thuộc khu vực phải di tản, nằm trong bán kính an toàn vẫn ghi nhận số ca mắc ung thư khá cao.
Những vụ tiến hành thử nghiệm hạt nhân trong quá khứ đã ghi nhận những câu chuyện mất mát và thương vong…
Những bài học lịch sử
Vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên của nhân loại đã được Mỹ thực hiện trên hòn đảo Bikini có diện tích 8,8 km2 thuộc quần đảo Marshall – Châu Đại Dương. Sức hủy diệt của bom nhiệt hạch Castle Bravo lớn hơn gấp nhiều lần so với tính toán ban đầu khiến một tàu cá nhỏ của Nhật Bản đang hoạt động cách hòn đảo Bikini 100 km cũng bị nhiễm phóng xạ, các thủy thủ trên tàu lần lượt qua đời vì ung thư. Đảo Bikini thơ mộng giờ biến thành vùng đất chết hoang phế không ai dám đặt chân đến do bị nhiễm xạ nặng. Thậm chí, gần 70 năm sau cuộc thử nghiệm cuối cùng, đất đai, cây trồng và động vật ở đây vẫn nhiễm phóng xạ nặng. Lượng phóng xạ hấp thụ vào cơ thể người đo được tại Bikini ở mức 184 millirem, cao hơn mức cho phép rất nhiều lần.
Vụ thử bom nhiệt hạch Castle Bravo trên đảo Bikini Atoll. (Ảnh: Mandegar.info)
Việc Mỹ thử nghiệm thành công loại bom này khiến Liên Xô lo lắng không yên. Giới lãnh đạo Liên Xô lúc bấy giờ đã huy động toàn bộ giới khoa học tinh hoa của nước này vào cuộc, tham vọng đó đã cho ra đời một “con quái vật” mà suýt chút nữa đưa nhân loại về thời kỳ đồ đá – đó chính là Tsa Bomba.
Tsa Bomba dài 8 m, đường kính 2,6 m, nặng trên 27 tấn. Sức hủy diệt của nó khiến các nhà khoa học chế tạo ra nó cũng lo sợ, ngay cả khi họ đã “cắt giảm” một nửa sức mạnh của nó, Tsa Bomba vẫn có uy lực gấp 1.500 lần hai quả bom nguyên tử ném xuống Nhật Bản.
“Quái vật” Tsa Bomba nặng hơn 27 tấn, mạnh nhất trong lịch sử nhân loại. (Ảnh: Irisha.info)
Novya Zemlya, một quần đảo thưa thớt dân cư nằm ở Biển Barents, phía bắc giá lạnh của Liên Xô đã được chọn làm nơi thử nghiệm “quái vật”. Khi trái bom phát nổ, những tác động của nó tạo ra là vô cùng khủng khiếp.
Ở ngôi làng Severny, cách địa điểm thả bom chừng 55km, toàn bộ các ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn. Các huyện thị của Liên Xô nằm cách đó hàng trăm dặm cũng phải hứng chịu nhiều tổn thất như sập nhà, tốc mái, bung cửa, vỡ cửa kính…
Đặc biệt, sóng điện từ do vụ nổ gây ra đã chạy lan ba vòng quanh Trái đất, làm cho toàn bộ các thiết bị radio bị vô hiệu hóa trong vòng một giờ. May mắn thay, nó là quả bom sạch nhất tính đến thời điểm đó, nếu không hẳn là toàn Trái đất đã bị bao phủ bởi bụi phóng xạ.
Vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl năm 1986 cũng là minh chứng cho sức tàn phá khủng khiếp của loại năng lượng hủy diệt này, dù trước đó Chernobyl được kỳ vọng là nhà máy đi đầu trong sản xuất năng lượng hạt nhân an toàn. Có nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân của vụ nổ, nhưng rõ ràng con người đã bất lực để khống chế sự cố này.
Cảnh hoang tàn của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và khu vực xung quanh. (Ảnh: Dronestagr)
Vụ nổ đã phát tán một lượng phóng xạ khổng lồ vào không khí, ước tính gấp 400 lần hai quả bom ném xuống Nhật Bản, khiến nhiều quốc gia châu Âu lân cận gánh chịu hậu quả.
Khu vực trong vòng bán kính 30 km quanh nhà máy Chernobyl được cho là có mức nhiễm phóng xạ đậm đặc nhất thế giới, các nhà khoa học ước tính khoảng hơn 300 năm nữa con người mới có thể sinh sống ở đây.
Hơn 30 năm sau sự cố hạt nhân tồi nhất trong lịch sử nhân loại này, đã có hơn 1 triệu người tử vong vì các nguyên nhân khác nhau do nhiễm phóng xạ, 80% trẻ em ở Berarus phải chịu các di chứng về sức khỏe như dị dạng hoặc thiểu năng trí tuệ…Người ta cũng ghi nhận sự tăng đột biến các ca bệnh ung thư tuyến giáp tại Ucraina…
Hối hận và cứu vãn
Những hậu quả nặng nề này cho thấy sức hủy diệt ngoài tưởng tượng của loại năng lượng này và rằng con người không thể hoàn toàn khống chế được nó.
Những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc loại bỏ nguy cơ hạt nhân. (Ảnh: Youtube)
Giáo sư Vật lý Mỹ Julius Robert Oppenheimer, người đứng đầu Dự án Manhattan và là Giám đốc đầu tiên của Phòng thí nghiệm Quốc gia (LANL), nơi nghiên cứu và chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên của nước Mỹ trong những năm cuối đời, đã luôn sống trong tâm trạng hối hận day dứt khôn nguôi vì đã chế tạo ra “đứa con bất trị” có tính hủy diệt loài người.
Albert Einstein, nhà Vật lý thiên tài người Đức, người đã phát mình ra công thức nổi tiếng, liên hệ giữa khối lượng và năng lượng, là lý thuyết nền tảng cho việc chế tạo vũ khí hạt nhân, đã nói: “Nếu nhìn thấy trước được Hiroshima và Nagasaki, tôi đã xé đi công thức của mình vào năm 1905 rồi”. Ông là người đã ra sức phản đối chiến tranh, và cùng với triết gia Bertrand Russell người Anh, ký Tuyên ngôn Russell–Einstein cảnh báo về sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân.
Andrei Sakharov, nhà Vật lý học Liên Xô chính là linh hồn tạo ra “quái vật” Tsa Bomba. Ông là gương mặt kỳ cựu của chương trình bom hạt nhân Liên Xô từ những ngày sơ khai và nằm trong nhóm chủ chốt thiết kế ra bom hạt nhân đầu tiên của nước này.
Tuy nhiên, ông đã nỗ lực thuyết phục các nhà lãnh đạo Xô Viết thử nghiệm hạt nhân trên máy tính thay vì ở thực địa bởi ông luôn day dứt về số người vô tội bị chết sau những vụ thử bom hạt nhân của Liên Xô trong giai đoạn thập niên 1950-1960. Tuy nhiên, ông đã thất bại trong việc ngăn cản giới lãnh đạo Liên Xô ngừng thử nghiệm Tsa Bomba. Khi Tsa Bomba phát nổ, nhà khoa học tài ba ấy đã gục mặt xuống bàn và khóc.
Andrei Sakharov mang mãi một nỗi buồn vì đã chế tạo ra siêu bom Tsa Bomba (Ảnh: NCQT)
Hậu quả của các vụ thử vũ khí hạt nhân (dù được tính toán rất kỹ lưỡng trước khi tiến hành) vẫn mang đến những hậu quả thảm khốc. Ước tính đã có khoảng 2,4 triệu người chết vì ung thư và một nửa bán cầu đã bị nhiễm bụi phóng xạ.
Năm 2017, Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân đã được hầu hết các nước thành viên của Liên Hợp Quốc thông qua. Các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân gồm Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Israel cam kết tiếp cận từng bước về giải trừ vũ khí được nêu trong Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Gần đây nhất là nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald J. Trump trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Mặc dù vậy, một thế giới không có vũ khí hạt nhân dường như là chuyện khó có khả năng xảy ra. Thế giới ngày càng phức tạp và các cường quốc đều muốn sở hữu chúng như một vũ khí răn đe và tự vệ. Chúng ta chỉ có thể hi vọng rằng, lãnh đạo của các cường quốc hạt nhân đó có thể nhìn vào các bài học trong quá khứ để có những quyết định sáng suốt cho dân tộc mình và nhân loại.
Đường Chính
Có thể bạn quan tâm: