Theo đó, ngày 21.8, do sức ép của những người đến nhà đòi tiền quá lớn, ông Tr (59 tuổi, trú ở xã Tam Đa, huyện Yên Phong) đã uống thuốc cỏ tự tử. Mặc dù được phát hiện, đưa đi cấp cứu nhưng ông Tr không qua khỏi.
Tìm hiểu tại địa phương, được biết bà Hoàng Thị Kh (vợ ông Tr) huy động vốn của người dân thôn Phấn Động, hứa trả lãi cao. Tuy nhiên, đến ngày 5.8, bà Kh tuyên bố mất khả năng thanh toán. Từ thời điểm ấy, có nhiều người đến nhà bà Kh gây sức ép. Những người cho bà Kh vay tiền hiện cũng lâm cảnh khốn đốn.
Căn nhà cấp 4 xây từ năm 1993 án ngữ đường đê thôn Phấn Động của bà Trần Thị Sơn (53 tuổi, ở huyện Yên Phong, Bắc Ninh) – người vừa cho bà Kh vay số tiền 650 triệu… đã xuống cấp. Bà Sơn muốn lấy tiền về để tháng 9 tới sửa nhà, nhưng không được.
Bà Sơn cho biết, bà Kh là người cùng làng, lại anh em họ mạc. Từ năm 2017, bà Kh vay tiền của bà Sơn dưới hình thức huy động vốn, hứa trả tiền lãi 20% mỗi tháng. Bà Sơn đồng ý.
Ngày 10.8 vừa qua đến hạn trả cả tiền lãi và gốc nhưng bà Kh tuyên bố vỡ nợ, số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Sang đòi thì bà Kh xin khất vì làm ăn thua lỗ, hứa tháng 12 tới sẽ trả.
“Tôi cho bà Kh vay 650 triệu đồng theo 2 đợt, đợt 1 là 450 triệu đồng, đợt 2 là 200 triệu đồng. Số tiền đó con gái lớn của tôi cho vay để bố mẹ sửa nhà, nhưng bà Kh ngỏ lời mượn tiền, hứa trả lãi 20%. Giờ bà Kh vỡ nợ, tôi không biết phải làm sao nữa, mất hết rồi”, bà Sơn nói.
Cũng theo bà Sơn, bà Kh vay tiền nhiều người trong thôn, xã và cả nơi khác. Sở dĩ, bà Sơn cho vay số tiền lớn như vậy vì lòng tin với bà Kh.
“Trước đó, tôi từng cho bà Kh vay tiền nhiều lần nhưng với số tiền ít, chỉ 50 – 70 triệu đồng. Mỗi lần đến hạn trả lãi và gốc, bà Kh rất đúng hạn và sòng phẳng. Bên cạnh đó, chỗ hàng xóm, chị em trong nhà nên tôi hết mực tin tưởng”, bà Sơn chia sẻ.
Cũng cho bà Kh vay tiền dưới dạng huy động vốn, bà Nguyễn Thị Bình (đối diện nhà bà Kh) cho biết: “Tôi cho bà Kh vay 500 triệu đồng. Đó là tiền mồ hôi, xương máu của gia đình tôi tích cóp bao năm trời. Giờ bà Kh tuyên bố vỡ nợ như vậy, tôi không biết xoay sở thế nào”.
Cũng theo bà Bình, mặc dù cho bà Kh vay số tiền lớn nhưng chưa khi nào bà sang đòi tiền hay lời nặng tiếng nhẹ với gia đình bà Kh. “Tiền mất, ai cũng xót. Nhưng chúng tôi là hàng xóm láng giềng còn tình còn nghĩa, mở cửa nhìn thấy nhau, chẳng nhẽ lại đối xử tệ bạc. Tôi tin bà Kh sẽ trả đầy đủ tiền cho gia đình tôi cũng như những hộ cho bà vay tiền”, bà Bình nói.
Gia đình anh N.N cho bà Kh vay số tiền lớn – 1,7 tỷ đồng. Khi cho bà Kh vay, hai bên đã thỏa thuận. Bà Kh đưa sổ đỏ và giấy thế chấp nhà cho gia đình anh N để được vay tiền.
“Trước hôm tuyên bố vỡ nợ, anh Tr (chồng bà Kh) sang nói chuyện với gia đình tôi. Anh Tr nói: ‘Nhà anh vỡ nợ rồi N ạ. Em sang nhà anh cầm chìa khóa, rồi giữ nhà. Anh sang ở nhờ nhà anh trai, thỉnh thoảng phiền em mở cửa để anh thắp hương”.
Tôi nói anh cứ yên tâm, tạm thời để nhà thế đó, anh em tính sau. Không ngờ, hôm sau, anh nghĩ quẩn, uống thuốc cỏ tự tử”, anh N cho biết.