Ông Huỳnh Quang Liêm – Phó Tổng Giám đốc VNPT.
“Từ những năm 90, thế giới đã triển khai đô thị thông minh, trong đó có những nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Pháp, đặc biệt là vùng Bắc Mỹ. Qua nhiều giai đoạn phát triển, đến năm 2015 – 2016 có sự bùng nổ của nền tảng đám mây, internet kết nối vạn vật, tiếp theo là các nền tảng trí tuệ nhân tạo. Như vậy, hiện tại chúng ta đã có đầy đủ điều kiện, công cụ để thực hiện công việc ấy”, ông Liêm nói tại buổi tọa đàm.
Ông Liêm dẫn chứng, thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) hay New York (Mỹ) đã triển khai thành phố thông minh từ lâu và rất thành công, còn ở Đông Nam Á thì rõ nét nhất là hình ảnh của quốc đảo Singapore. Đặc biệt ở Ấn Độ, họ tuyên bố đã có tới 100 đô thị thông minh.
Tuy nhiên, cùng có nhận định như Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, ông Liêm cho rằng, vấn đề nan giải hiện nay tại nước ta là các quy định của pháp luật. “Bản chất cốt lõi nhất để hình thành thành phố minh là các thông tin phải được chia sẻ, giáo dục chia sẻ với y tế, y tế chia sẻ với công an,… Tuy nhiên chúng ta đang gặp khó khăn về luật pháp và quy định”, ông Liêm nói.

“Nói về công nghệ thì không phải là việc lớn. Nhưng nếu chúng ta nhìn bài toán lớn quá, đô thị thông minh mà làm lớn quá thì làm không được”, ông Huỳnh Quang Liêm – Phó Tổng Giám đốc VNPT.

“Hệ thống vận hành phải hiểu được hành vi, thói quen của người dân”
Chia sẻ góc nhìn về thành phố thông minh, ông Nguyễn Trường Giang – Phó Tổng Giám đốc VNPT cho rằng: “Hệ thống vận hành phải hiểu được hành vi, thói quen của người dân. Hệ thống của người Việt Nam khác với người Mỹ, của người dân TP.HCM khác với của người dân ở TP.Lào Cao, nó khác và nó có những đặc điểm khác nhau. Chúng ta phải tùy chỉnh, cái này phải có thời gian và đào tạo đội ngũ cho việc này”.
Theo vị chuyên gia này, người dân Việt Nam đã quen dùng bút và quen với việc kê khai trên giấy. Do đó, khi người dân tới một nơi mà chỉ có máy tính bảng thì để họ làm quen, cần có sự hướng dẫn của chính quyền và cơ chế khuyến khích tạo ra động lực để người dân tích cực tham gia.
“Ứng dụng tạo ra phải thân thiện, không được gây cảm giác khó chịu cho người dùng, như một việc làm trên máy phải cho cảm giác như làm trên giấy. Đồng thời phải có giải pháp khuyến khích người dân, như nộp qua mạng thời gian xử lý hồ sơ sẽ rút ngắn lại; thậm chí phải vừa khuyến khích vừa áp đặt theo kiểu một số dịch vụ mà không làm qua mạng thì không chấp nhận. Vừa khuyến khích vừa áp đặt nhưng phải tuyên truyền cho người dân biết”, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tiếp ý ông Giang.

Phải có chế tài bảo mật dữ liệu Trên hết những vấn đề liên quan tới việc xây dựng thành phố thông minh, vai trò của các bộ ban ngành trong việc ban hành các quy định rất cụ thể về việc những dữ liệu nào được truy cập cũng rất quan trọng. Chẳng hạn, cơ sở dữ liệu dân cư, hộ tịch, thông tin doanh nghiệp có thể dùng chung giữa các ngành, nhưng có những thông tin không thể chia sẻ như vậy. “Phải có những quy định về thu thập, sử dụng dữ liệu để bảo đảm tính riêng tư, an toàn. Ví dụ chúng ta đang khuyến khích sử dụng camera để giám sát an ninh, trật tự, đòi hỏi phải có quy chế, phải có chế tài bằng pháp luật rất rõ ràng đối với những ai được và không được phép truy cập, sử dụng cho việc gì,…”, ông Lê Quốc Cường – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM nhấn mạnh.

Theo Ngọc Phạm (Dân Việt)