Trong thế chiến II, lực lượng Đức Quốc xã từng sử dụng một loại vũ khí vượt trội hơn hẳn so với lực lượng Đồng Minh cũng như Liên Xô về cả thiết kế cũng như hỏa lực: “Xe tăng Tiger I”. Sự xuất hiện của loại vũ khí này đã thay đổi cục diện chiến trường nhờ sức mạnh đáng gờm. 
Vũ khí và trang thiết bị quân sự mạnh là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại trên chiến trường. Xe tăng trong chiến tranh thế giới 2 đóng vai trò chủ lực trong lực lượng nhiều nước tham chiến. Tuy là nước bại trận nhưng phát xít Đức vẫn để lại nhiều thành tựu về khí tài quân sự khiến nhiều quốc gia sau này cũng phải thán phục.
Trong những loại xe tăng nổi bật trong cuộc chiến khốc liệt này, Tiger I nổi lên như là một vũ khí quân sự trên bộ mạnh nhất của phát xít Đức khi đưa chiến lược chiến tranh từ co cụm phòng thủ sang tấn công chủ động. Với người Đức, Tiger I được xem là chìa khóa giúp họ đánh bại các đơn vị thiết giáp của quân Đồng Minh trên mọi mặt trận và ít nhiều nó cũng đã thực hiện được một phần nào đó tham vọng này.
Xe tăng Tiger I của phát xít Đức. (Ảnh: Business Insider)
Xuất hiện lần đầu tiên vào cuối năm 1942, Tiger I nhanh chóng trở thành đối thủ đáng gờm cho lực lượng tăng thiết giáp rất mạnh của Liên Xô khi đó, đặc biệt là chiếc T-34 và KV-1. Thiết kế nổi bật của Tiger là pháo chính 88 mm, vượt trội hơn hẳn so với bất kỳ xe tăng nào của quân Đồng Minh. Ngoài ra, vũ khí này đươc trang bị giáp phía trước thân xe dày tới 100mm và giáp trước tháp pháo tới 120mm có khả năng vô hiệu hóa hầu hết các loại vũ khí chống tăng thời điểm bấy giờ. 
Tiger I được trang bị 92 viên đạn tăng các loại, trong đó có cả đạn xuyên giáp. Hệ thống vũ khí còn lại trên xe tăng là hai súng máy 7.92mm MG 34 cùng hơn 4.500 viên đạn. Ưu thế của cỗ máy chiến tranh này là động cơ Maybach HL230 P45 V-12 công suất 690 mã lực có độ tin cậy cao. 
Nhìn chung với sự trang bị đáng gờm như vậy, nó dĩ nhiên trở thành một “pháo đài di động” kiên cố trên chiến trường bởi lớp vỏ giáp rất dày, súng chính lớn hơn, cùng với đó là dung tích nhiên liệu, trọng lượng đạn dược, động cơ lớn hơn. Thêm vào đó hệ thống treo và chuyển động chắc chắn hơn là những tiền đề quá tốt trước những đối thủ như T-34/76 (mang pháo 76mm) hoặc M4 Sherman (mang pháo 75mm). 
Tiger I có giáp trước, giáp 2 bên bên và giáp tháp pháo dày có thể chống cự lại hầu hết vũ khí chống tăng của Liên Xô và phe Đồng Minh. (Ảnh: vozForums)
Tên tuổi của xe tăng Tiger không chỉ đến từ thiết kế của nó mà còn từ các kíp chiến đấu ACE Tiger của lực lượng tăng thiết giáp Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, mà nổi bật nhất là kíp chiến đấu của Michael Wittmann với thành tích bắn hạ gần 140 xe tăng các loại. Cùng với Tiger các kíp chiến đấu này là cơn ác mộng trên chiến trường đối với quân Đồng Minh trong suốt giai đoạn từ năm 1943 đến tận cuối cuộc chiến.
Tuy vậy, bất cứ một loại vũ khí nào dù có mạnh và tối tân đến đâu cũng tồn tại yếu điểm. Khác với xe tăng thời trước có độ cân bằng giữa tính cơ động, bảo vệ và hoả lực; Tiger I thể hiện một cách tiếp cận mới của Đức: “hy sinh độ cơ động để tăng cường hoả lực và giáp bảo vệ cho xe.”
Bởi kết cấu vỏ giáp của Tiger I vẫn áp dụng kiểu giáp thẳng đứng của những chiếc Panzer IV nên khối lượng cả xe là 57 tấn. Vì vậy động cơ 690 mã lực là không đủ cho Tiger hoạt động với bán kính rộng giống như T-34 hay M4 Sherman, phạm vi hoạt động của vũ khí này chỉ từ 110 -195 km tên địa hình phẳng với vận tốc từ 38-45 km/h. 
Trên chiến trường, Tiger có thể áp đảo lực lượng liên quân Anh – Mỹ tại Mặt trận phía Tây nhưng tại Mặt trận phía Đông, nó gần như bất lực trước người Nga vì địa hình phức tạp cũng như mùa đông khắc nghiệt xứ Bạch Dương. Quân Đức thất bại thảm hại trong cuộc chiến chinh phục Liên Xô một phần vì quá trình bảo dưỡng Tiger quá phức tạp, xe dễ trục trặc và cũng mất nhiều chi phí để chế tạo. 
Địa hình phức tạp và mùa đông khắc nghiệt nước Nga khiến Tiger I trở nên vô dụng. (Ảnh: Pinterest)
Ngoài ra, Liên Xô về sau đã cho ra đời các dòng xe tăng hạng nặng như IS-1, IS-2 có vỏ giáp trội hơn nhiều so với Tiger I nhờ áp dụng kiểu giáp nghiêng nên các loại xe này lại nhẹ hơn đáng kể cộng thêm hỏa lực của các dòng IS cũng hơn hẳn Tiger I. 
Liên Xô và phe Đồng Minh cũng nâng cấp hỏa lực của các xe tăng hạng trung trước đó có thể xuyên thủng được giáp trước của Tiger I ở cự ly trung bình; tiêu biểu là các loại T-34/85 và M4A3E8 Sherman. Và như một hệ quả tất yếu, Tiger I trở nên lỗi thời chỉ sau 3 năm xuất hiện trên chiến trường và phải nhưỡng chỗ cho thế hệ Tiger II sau đó có giáp dày hơn. 
Liên Xô và phe Đồng minh về sau cải tiến hỏa lực cho các xe tăng hạng trung trước đó đủ khả năng bắn hạ Tiger. (Ảnh: smsticket)
Số phận của Tiger cũng như các loại vũ khí tối tân khác của Hitler cũng giống như số phận của nước Đức phát xít khi nó không thể giúp Đức dành được chiến thắng trong cuộc chiến vô nghĩa. Nhưng xét một khía cạnh khác, Tiger I vẫn cho thấy dấu ấn công nghệ đậm nét trong lịch sử công nghệ và thiết kế xe tăng thế kỷ 20. 
Video:

Sơn Tùng