Ngày 18/5, phiên tòa xét xử vụ chạy thận khiến 8 người tử vong và 10 người bị thương tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục được diễn ra. 
Đáng chú ý nhất là tại buổi làm việc vào trưa cùng ngày, LS Nguyễn Văn Chiến, người bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, liên tiếp đề nghị HĐXX được đặt câu hỏi đối với các ông Trương Quý Dương hoặc người đại diện; ông Hoàng Đình Khiếu, phó giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình và ông Trần Văn Thắng, trưởng phòng vật tư BV đa khoa tỉnh Hòa Bình; tuy nhiên tất cả đều vắng mặt.
Đến lượt điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa, người trực tiếp thụ lý điều tra vụ án, khi LS Chiến đề nghị được hỏi cũng không có mặt tại phòng xử. Gần 10 phút sau, ông Nghĩa đã có mặt tại tòa, sau đó là màn đối chất “nảy lửa” giữa ông Chiến, ông Nghĩa và bị cáo Hoàng Công Lương về hai lời khai “sinh đôi”.
Bày tỏ sự không hài lòng về sự vắng mặt trong nhiều ngày của nhiều người, LS Nguyễn Văn Chiến đã đề nghị HĐXX có biện pháp triệu tập nghiêm khắc hơn đối với những người này để đảm bảo quá trình xét xử diễn ra xuyên suốt.
“Hỏi tới bốn người nhưng đều không có mặt tại tòa. Họ được xác định có tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, nhưng đều là những người biết việc, sự vắng mặt sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình làm rõ các tình tiết của vụ án” – LS Chiến nói.
Sự vắng mặt trên vẫn chưa dừng lại khi đến buổi làm việc chiều cùng ngày, ông Đinh Tiến Công, điều dưỡng viên trưởng của khoa Hồi sức tích cực tiếp tục xin vắng mặt. Ông Công được xác định là người có vai trò “mấu chốt” trong việc xác định có hay không việc bác sĩ Lương được phân công phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo. Bởi ông Công chính là người ghi chép biên bản các cuộc họp giao ban của khoa Hồi sức tích cực, bao gồm cuộc họp giao ban cuối năm 2015.
Khá bức xúc về điều này, LS Chiến đặt vấn đề tại sao phiên tòa càng về sau lại càng có nhiều người với vai trò quan trọng trong vụ án xin vắng mặt. Ông Chiến đề nghị tòa đọc công khai đơn xin xét xử vắng mặt của những người này, trong đó có ông Đinh Tiến Công.
Theo như tòa công bố, ông Công xin vắng mặt vì lý do sức khỏe.

Trước đó, tại ngày làm việc đầu tiên (16/5), ông Đỗ Quốc Quyền, người đại diện theo ủy quyền của ông Trương Quý Dương, xuất hiện tại tòa dưới sự chú ý đặc biệt của những người theo dõi vụ việc.
Trả lời báo chí khi đó, ông Quyền cho biết chính thức nhận được văn bản ủy quyền của ông Trương Quý Dương vào ngày 15/5. Trong những ngày ông Dương chưa kịp có mặt tại Việt Nam, ông sẽ đại diện có mặt tại tòa để làm việc bình thường.
Vị này khẳng định rằng sẽ cố gắng ghi chép lại những câu hỏi của HĐXX, VKS, LS… liên quan đến ông Trương Quý Dương, nếu nội dung nào nắm được và có sự ủy quyền thì sẽ trả lời, còn nội dung nào cần có sự hội ý của người ủy quyền thì sẽ gửi văn bản sau.
Tuy nhiên, ông Quyền chỉ có mặt trong ngày đầu tiên của phiên xử, khi nội dung làm việc chủ yếu là phần kiểm tra thủ tục và công bố cáo trạng. Kể từ ngày hôm sau (17/5), dù rất nhiều người muốn đặt câu hỏi nhưng ông Quyền đều không có mặt.
Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hoà Bình phải chịu trách nhiệm
Liên quan đến trách nhiệm của phòng vật tư, luật sư Nguyễn Hoàng Trung (bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân tử vong) đã hỏi đại diện BV đa khoa tỉnh Hoà Bình là ông Đỗ Đình Vận, Phó giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình. Ông Vận ủy quyền cho luật sư Nguyễn Danh Huế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, trả lời.
Luật sư Huế nói: Trưởng phòng vật tư có trách nhiệm cao nhất nếu vấn đề liên quan đến vật tư y tế theo quy chế của bệnh viện. Quy trình kiểm tra máy móc trước đây làm rất chặt chẽ, thường thì 3-6 tháng là kiểm tra.
Đối với việc kiểm tra, giám sát với trang thiết bị trong nhà thầu, luật sư Huế cho biết, người chịu trách nhiệm cao nhất là Giám đốc bệnh viện đối với việc thực hiện hợp đồng, giám sát nhà thầu.
Luật sư Huế nói: Người đại diện cao nhất được quyền ký kết hợp đồng, lựa chọn nhà thầu, đó là Giám đốc bệnh viện, đương nhiên cá nhân Giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm cao nhất về việc giám sát hoặc ủy quyền bằng văn bản cho phòng khoa chức năng giám sát thực hiện công việc của nhà thầu.
Trong quyết định số 6197 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn về dịch vụ thuê khoán ngoài đối với bệnh viện quy định rất rõ ở mục 6: Giám đốc bệnh viện không được bỏ mặc cho nhà thầu muốn làm gì thì làm mà phải thường xuyên kiểm tra… Tóm lại, Giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm cao nhất việc giám sát. Tiếp theo là đơn vị chức năng giao cho giám sát hợp đồng.
Hương Nguyễn (t/h)