Các doanh nghiệp OTT truyền hình hầu như không tiết lộ số tiền đầu tư, nhưng nhận định chi phí đầu tư làm nội dung, công nghệ, cơ sở hạ tầng là “rất lớn”…, với những doanh nghiệp hoạt động 5 năm vẫn lỗ hàng triệu USD. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận “đốt” tiền vào cuộc chơi mới này nhằm đặt kỳ vọng về những lợi ích bền vững trong tương lai.
Theo khảo sát của Nielsen, Việt Nam hiện là một trong những nước đang dẫn đầu xu hướng xem video trực tuyến với 9/10 người được hỏi nói rằng họ xem video trực tuyến hằng tuần. Điều này đang mở ra cơ hội cho những dịch vụ truyền hình truyền dẫn trên nền tảng internet hay còn được gọi với thuật ngữ OTT truyền hình.
Thống kê thói quen xem truyền hình OTT của người dùng tại Việt Nam qua các kênh khác nhau ra sao Ảnh: T.Luân |
Theo tổ chức nghiên cứu Muvi, ước tính doanh thu thị trường OTT truyền hình tại khu vực Đông Nam Á sau 3 năm nữa có thể đạt tới con số 650 triệu USD/năm. Hiện ở Việt Nam cũng đã có đến 30 sản phẩm OTT truyền hình… Qua đó có thể thấy tiềm năng, dư địa thị trường này là rất hứa hẹn.
Mặc dù vậy, trên thực tế một gánh nặng lớn đang làm giảm tốc các doanh nghiệp, kìm hãm sự phát triển chung của thị trường OTT Việt Nam: Nạn vi phạm bản quyền các nội dung truyền hình, phim ảnh một cách tràn lan.
Hiện vẫn chưa có thống kê chính thức nào tại Việt Nam về số lượng các đơn vị vi phạm bản quyền truyền hình, cũng như thiệt hại gây ra. Tuy nhiên Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định là vi phạm bản quyền trên internet “đang ở mức báo động”.
Gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã mạnh tay yêu cầu rút toàn bộ quảng cáo trên 50 trang web vi phạm bản quyền, trong đó có nhiều trang OTT truyền hình có lượng truy cập cao như hayhaytv, hdviet, hdtivi… Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng thời gian tới cần có những xử lý có sức răn đe hơn nữa được quy định trong luật, bởi vi phạm bản quyền trên internet luôn có dấu hiệu tái diễn. Ví dụ trận chung kết Champions League vừa qua, ước tính có đến 50 triệu livestream vi phạm bản quyền.
Ông Lê Quang Minh, Giám đốc Trung tâm tin tức VTV24 cho biết: “Tổ chức Hội thảo OTT, ngoài việc giới thiệu với khán giả truyền hình cả nước một loại hình trải nghiệm dịch vụ xem video theo yêu cầu qua internet (SVOD) hoàn toàn mới, chúng tôi còn mong muốn các nhà cung cấp dịch vụ OTT sẽ ngồi lại với nhau nhằm thiết lập một thị trường phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh với các nhà cung cấp dịch vụ video streaming hàng đầu khu vực và thế giới thay vì cạnh tranh nhau trong một cuộc đua xuống đáy.”