Theo thông tin trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, nhận định tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua điện thoại VOIP trên địa bàn TP.HCM có dấu hiệu phức tạp trở lại, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) – Công an TPHCM đã có văn bản gửi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP.HCM nhằm hỗ trợ tuyên truyền phương thức, thủ đoạn mới của loại tội phạm lừa đảo này.
Tội phạm mạng chiếm đoạt tiền do nạn nhân cả tin
Cụ thể, theo thông tin từ PC46, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua điện thoại VOIP mạo danh điều tra viên, cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án sau thời gian tạm lắng xuống gần đây có dấu hiệu phức tạp trở lại.
Đáng lưu ý, thời gian qua đã xuất hiện phương thức, thủ đoạn mới đó là: Sau khi đưa ra các thông tin về việc bị hại có liên quan đến đường dây tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, rửa tiền; dò hỏi các thông tin về tài khoản ngân hàng, tiền gửi tại các ngân hàng của bị hại có liên quan đến đường dây tội phạm như trước đây…, chúng còn yêu cầu bị hại ra một ngân hàng khác để mở một tài khoản đứng tên của chính người bị hại, và đăng ký dịch vụ Internet Banking bằng số điện thoại do các đối tượng lừa đảo giả danh công an cung cấp.
Chúng nói rằng, mục đích là để kiểm tra, xác minh, giám định số tiền này có liên quan đến đường dây tội phạm hay không và giám sát tài khoản này của bị hại. Từ đó buộc nạn nhân cung cấp toàn bộ tên đăng nhập (username) và mã kích hoạt,… Từ những thông tin này, những kẻ lừa đảo dễ dàng chuyển tiền sang tài khoản khác bằng Internet Banking.
Thượng tá Vũ Như Hà – Trưởng phòng PC46 nói về hành trình phá án Chen Kun Chin và đồng bọn – một băng nhóm người Đài Loan câu kết với người Việt Nam mạo danh công an… sử dụng công nghệ cao lừa đảo người Việt. (Ảnh: VGP/Phạm Huy)
“Với thủ đoạn như trên, các đối tượng làm cho bị hại nghĩ rằng tiền vẫn trong tài khoản đứng tên mình nên không mất. Mặt khác, đối với các nhân viên của các ngân hàng, khi khách hàng đến giao dịch chuyển/nộp tiền vào tài khoản của chính khách hàng nên nghĩ rằng không phát sinh vấn đề lừa đảo gì, từ đó không biết để cảnh báo cho khách hành về nguy cơ bị lừa đảo”, một lãnh đạo chia sẻ.
5 chiêu trò lừa đảo qua điện thoại phổ biến
1. Thông báo nợ cước điện thoại
Trường hợp này khá phổ biến và rất nhiều người đã mắc bẫy. Kẻ lừa đảo thường dùng hộp thư thoại hoặc gọi trực tiếp đến số cố định để nhắc nợ cước với số tiền lớn, yêu cầu phải thanh toán ngay nếu không sẽ tạm cắt dịch vụ, khởi kiện ra toà.
Tinh vi hơn, chúng còn dùng đầu số bán hàng 18001166 của VNPT để dễ chiếm được lòng tin của khách hàng.
2. Bạn nước ngoài tặng quà nhưng bị hải quan giữ tiền
Chiêu trò này thường nhắm tới phụ nữ. Kẻ lừa đảo có sự cấu kết giữa người Việt và người nước ngoài. Sẽ có một kẻ xưng danh là người nước ngoài, đang định cư ở nước Anh, Mỹ, châu Phi,… kết bạn rồi làm quen, tán tỉnh.
Sau một thời gian “yêu đương”, chúng sẽ hào phóng tặng quà với trị giá hàng trăm triệu đồng (tiền mặt, giày dép, túi xách, trang sức, điện thoại, iPad, USD…), hứa hẹn cưới hỏi.
Tiếp đó là một người Việt giả danh là nhân viên chuyển phát của bưu điện trực tiếp gọi điện yêu cầu chuyển tiền phí vào tài khoản ngân hàng để nhận hàng.
Cuối cùng là màn yêu cầu đóng tiền phạt để nhận hàng với đủ lý do như thùng hàng có tiền bị hải quan giữ. Kết cục, quà không thấy đâu, chỉ có tiền của nạn nhân là không cánh mà bay.
3. Trúng thưởng qua điện thoại
Chiêu trò này khá phổ biến trong năm 2016, 2017. Thực tế, kẻ lừa đảo sẽ mạo danh những thương hiệu lớn gọi đến nạn nhân thông báo vừa trúng thưởng một món quà giá trị lớn: Xe SH, tiền mặt mấy trăm triệu đồng,… trong chương trình bốc thăm trúng thưởng, tri ân khách hàng.
Người dân chỉ phải gửi một khoản tiền trị giá khoảng 3 triệu đồng tiền thuế hoặc thẻ cào điện thoại mệnh giá cao để nhận được phần thưởng.
4. Bị thông báo liên quan đến đường dây rửa tiền
Thủ đoạn của kẻ lừa đảo là gọi điện thoại xưng danh cán bộ cấp cao: Công an, tòa án, viện kiểm sát,… thông báo tới người dân rằng họ liên quan đến đường dây rửa tiền, yêu cầu người dân chuyển tất cả số tiền hiện có vào tài khoản của chúng để điều tra. Nếu không làm sẽ bị phạt tù.
Để tạo sự tin tưởng, uy hiếp tinh thần nạn nhân, chúng sẽ không xưng danh mà yêu cầu họ gọi điện đến tổng đài 1080 để biết chúng là ai. Trong khi, thực tế, nhóm người này đã sử dụng phần mềm giả lập số điện thoại giống hệt số máy của các cơ quan chức năng để lừa đảo.
Bạn nên nhớ: Công an làm việc sẽ có thư mời ghi rõ thời gian, địa điểm và dân tới trực tiếp trụ sở công an để làm việc. Công an không bao giờ yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Bởi vậy, nghe những cuộc điện thoại này, người dân cần dập máy ngay lập tức.
5. Người thân bị tai nạn
Những cuộc gọi thường đến lúc đêm hôm, chúng thông báo người thân (vợ chồng, con cái…) bị nạn, yêu cầu người nhà tới gấp. Địa điểm thông báo thường là khu vực hẻo lánh, vắng người. Nhóm lừa đảo này sẽ mai phục sẵn để cướp tài sản.
Gặp trường hợp này, việc điều tiên, người dân cần làm là gọi ngay cho người nhà xem có thực sự họ bị tai nạn hay không. Trường hợp quá lo lắng, gọi điện họ lại không bốc máy phải rủ người đi cùng, tuyệt đối không đi một mình và không được cập nhật tình hình mình đi đến đâu rồi cho bất kỳ ai.
Theo PV (Dân Việt)