Người bố thí dùng smartphone để cho tiền ăn xin tại Trung Quốc
Nhiều đoạn video lan truyền trên Internet cho thấy tại Trung Quốc, ngay cả những người ăn xin cũng có mã QR Code cá nhân để lấy tiền bố thí của khách hảo tâm. Thậm chí, trong một video, một cụ bà còn trưng ra cả máy POS để người cho tiền có thể quẹt thẻ nếu không có tiền lẻ.
Một cụ ông với QR Code dán trên chiếc lon xin ăn – Ảnh: China Daily/Asia News Network |
Một bài viết trên CNBC hồi cuối năm ngoái thậm chí cho rằng Trung Quốc đang sống ở tương lai của thanh toán di động.
Không ai phủ nhận rằng Trung Quốc có tốc độ phát triển thanh toán qua smartphone nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào: Hơn 65% dân số tại nước này đang trả tiền bằng di động. Thị trường thanh toán di động tại đây lớn nhất thế giới và tiếp tục phát triển, các nhà phân tích cho biết tổng giao dịch quý 3/2017 cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Năm 2016, tổng thanh toán bằng smartphone chiếm đến 5 ngàn tỷ USD, cao gấp đôi so với năm trước đó, theo Hillhouse Capital. Con số này cao hơn 50 lần tổng thanh toán di động tại Mỹ. Những con số ấn tượng như vậy chưa ai làm được.
QR Code phổ biến đến mức ngay cả người ăn xin cũng có mã QR Code riêng. Mỗi người chỉ việc dán một mã của mình lên một bìa giấy là có thể đi khắp nơi và xin tiền khách qua đường. Người hảo tâm chỉ cần rút điện thoại, mở ứng dụng lên và dùng camera điện thoại quét qua mã QR Code thì tiền sẽ lập tức chuyển qua cho người hành khất.
Những doanh nhân Việt Nam làm việc tại Trung Quốc cũng kể rằng, khi đi đám cưới, khách đến chung vui có thể không cần mang phong bì tiền mừng, chỉ cần gửi tiền qua tài khoản WeChat của các cặp đôi. Tương tự, việc lì xì năm mới cũng có thể thực hiện qua ứng dụng.
Với việc thanh toán phổ biến như vậy, không khó khi ra chợ mua thịt cá, mua rau củ cũng có thể thanh toán bằng QR Code, chuyển tiền cho người bán bằng ứng dụng trên điện thoại di động. Dĩ nhiên, việc thanh toán này còn dễ dàng hơn ở các nhà hàng, quán ăn, vốn dễ chấp nhận những hình thức thanh toán điện tử.
Người bán cá cũng có mã QR Code riêng để khách trả tiền qua di động – Ảnh: South China Morning Post |
Trong bài viết của CNBC, tác giả thậm chí cho rằng tiền mặt gần như đã “chết” ở quốc gia này.
Trong bài viết trên Abacusnews, nữ tác giả kể rằng khi đi đến một khu nghỉ dưỡng ở Zhuhai, cô đứng tần ngần trước một máy bán nước tự động và cố tìm khe nhét tiền mặt. Tuy nhiên, sau đó cô nhận ra rằng cách duy nhất để mua nước từ máy này là phải dùng điện thoại di động.
Tại Trung Quốc, có hơn 1 tỷ người dùng WeChat hàng tháng, hơn 900 triệu người dùng ứng dụng này hàng ngày. Từ một ứng dụng chat, WeChat (của Tencent, một trong những công ty công nghệ lớn nhất toàn cầu) phát triển lên thành một ứng dụng đa năng, tích hợp hầu hết nhiều ứng dụng khác trong đó. Trong đó, WeChat trở thành một ứng dụng thanh toán di động hầu hết mọi người đều sử dụng vì tiện ích của nó. WeChat cũng có WeChat Pay, một nền tảng thanh toán dùng QR Code.
QR Code được phát triển từ những năm 1994 nhưng không phải cho mục đích thanh toán di động. Trung Quốc là quốc gia ủng hộ việc thanh toán bằng hình thức này, phát triển song song với hình thức máy POS phổ biến ở các nước phát triển. QR Code rất dễ triển khai vì mỗi cửa hàng chỉ việc in mã QR Code được cấp riêng lên giấy, khách chỉ cần mở ứng dụng trên điện thoại và quét qua mã này để thanh toán mà không lo lộ thông tin thẻ ngân hàng.
Ngoài WeChat của Tencent, một công ty Trung Quốc nổi tiếng toàn cầu là Alibaba cũng chia sẻ thị phần ở mảng thanh toán di động béo bở này. Đến các hàng quán, bên cạnh mã QR Code của WeChat, nhiều người sẽ thấy thêm mã QR Code do AliPay, nền tảng thanh toán của Alibaba, cấp cho cửa hàng. Hai “ông lớn” này đang giữ thị phần lớn nhất ở mảng thanh toán tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Một nơi bán bút lông có cả tài khoản WeChat (ngoài cùng bên trái), và tài khoản AliPay (ở giữa) cho khách tuỳ chọn cách trả – Ảnh: Evelyn Cheng/CNBC |
Không chỉ có màu hồng
QR Code cực kỳ phổ biến vì dễ triển khai đến mọi đối tượng, và dĩ nhiên nó được ủng hộ từ các doanh nghiệp và sự hậu thuẫn từ chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, như mọi công nghệ khác, hình thức thanh toán này có mặt trái của nó.
Bài viết trên Mirror cuối năm ngoái dẫn nguồn từ báo địa phương cho biết, những người ăn xin tại Trung Quốc được vài công ty xấu lợi dụng để thu thập thông tin từ khách cho tiền. Mỗi người hành khất được cho là nhận 1 hân dân tệ trên mỗi khách hàng cho tiền qua hình thức QR Code.
Những khách hàng dùng WeChat để cho tiền người ăn xin có thể bị thu thập thông tin tài khoản, do đó việc mua bán thông tin số điện thoại hay email dùng cho tài khoản WeChat là khá phổ biến trên thị trường chợ đen.
Không những vậy, bài viết trên South China Morning Post hồi tháng 4 này cho biết cảnh sát đã bắt giữ 3 người có hành vi tráo QR Code để đánh cắp tiền. Ba người này dùng mã QR Code của họ rồi lén dán lên các tấm bảng của những người bán hàng ở chợ, từ đó tiền của khách mua hàng thay vì chuyển cho người bán thì sẽ chuyển cho 3 kẻ gian.
Các công ty cho thuê xe đạp cũng là đích nhắm. Người thuê chỉ cần quét mã QR Code trên yên xe chẳng hạn để trả tiền thuê xe, sau đó có mã để mở khoá xe và di chuyển. Tuy vậy kẻ xấu có thể lợi dụng để dán QR Code của chúng lên xe, khiến người thuê xe trả tiền vào tài khoản tội phạm thay vì chuyển tiền cho chủ nhân của xe đạp.
Mã QR Code gắn trên xe đạp – Ảnh: Evelyn Cheng/CNBC |
Mặc dù còn có các hạn chế như trên nhưng các chuyên gia nhận định rằng sự phát triển của QR Code tại Trung Quốc khó cưỡng lại được, do sự tiện lợi của nó và chi phí giao dịch thấp hơn so với thẻ thanh toán truyền thống.