Việc các ông lớn công nghệ có những màn công kích nhẹ nhàng nhắm vào đối thủ xuyên suốt một buổi công bố sản phẩm không phải điều gì mới lạ. Samsung đã từng cười vào thiết kế tai thỏ của iPhone X, còn Google tại buổi ra mắt Pixel đời đầu cũng nhấn mạnh vào việc máy vẫn giữ nguyên jack tai nghe 3.5mm.
Apple lại luôn tự hào về lịch trình cập nhật iOS đúng hẹn và mức độ phủ sóng rộng rãi triệt để của phiên bản iOS mới nhất so với đối thủ Android. Và tại Hội thảo nhà phát triển WWDC 2018 lần này, Táo khuyết trong màn giới thiệu tính năng bảo mật mới trên trình duyệt Safari của mình cũng kịp thời “đá xoáy” mạng xã hội Facebook “nhân dịp” nội bộ công ty vẫn đang rối như tơ vò hậu thảm họa Cambridge Analytica.
“Tại Apple, chúng tôi tin rằng dữ liệu cá nhân của bạn phải được duy trì bảo mật, không phải vì bạn đã làm gì sai hoặc bạn có điều gì muốn giấu, mà đơn giản bởi thiết bị cá nhân của bạn có thể chứa rất nhiều thông tin nhạy cảm của riêng mỗi người mà chúng tôi cho rằng bạn phải là người nắm quyền kiểm soát”, Phó Giám đốc cấp cao mảng phần mềm của Táo khuyết, ông Crag Federighi nói trong màn giới thiệu tính năng bảo mật mới trên trình  duyệt Safari

Giám đốc cấp cao mảng phần mềm Apple, ông Craig Federighi

Craig cho biết hiện nay hầu hết các trang web đăng tải nội dung đều có 2 nút “Like” và “Comment” cùng các biểu tượng kết nối với mạng xã hội như Facebook, Twitter và Google+, cho phép người dùng “Thích” hoặc “Bình luận” về nội dung vừa xem qua tài khoản cá nhân. Các nút đó cũng như mục bình luận phía cuối một trang web có thể được dùng vào nhiều mục đích không tốt như theo dõi người dùng – ngay cả khi bạn không click chuột vào – mà bạn không hề hay biết. Federighi sau đó cho chiếu lên tấm hình minh họa về một bài báo của trang blabbermouth.net, sử dụng chính phần Like và Comment của Facebook  làm ví dụ.
Theo Craig, các biện pháp bảo vệ mới của Safari sẽ không cho phép các mục này được quyền truy cập và theo dõi người dùng, và nếu người dùng thực sự muốn bình luận hoặc tương tác với nội dung trang web qua các nút trên, Safari sẽ hiển thị pop-up thông báo rõ ràng rằng “facebook.com” (như trong bức hình minh họa của Apple) sẽ truy cập được vào cookies và dữ liệu website của bạn.
Dù trang blabbermouth.net là một trang web về nhạc rock metal và dường như không có gì đặc biệt, trang Tech Insider đã ngay lập tức nhận ra lời mỉa mai tinh tế của Apple nhắm vào Facebook và rằng không hề có sự trùng hợp nào khi Apple lại đưa Facebook và cái tên blabbermouth (từ tiếng Anh chỉ người không biết giữ mồm giữ miệng) vào cùng một ví dụ.


Nâng cấp lần này được mở rộng thêm từ công  cụ bảo mật Intelligent Tracking Prevention hãng ra mắt hồi năm ngoái, vốn cho phép giới hạn lượng thông tin các công ty dữ liệu có thể thu thập được về người dùng thông qua thói quen duyệt web từ trang này qua trang khác.
Tiếp theo, Phó Giám đốc cấp cao của Táo khuyết giới thiệu về fingerprinting – một thuật ngữ các đặc điểm nhận dạng nhất định của từng thiết bị số như font chữ, plug-ins đã từng cài đặt và thiết lập trên thiết bị. Theo đó, Apple nói rằng hãng từ giờ sẽ gây khó dễ tối đa cho hành vi theo dõi người dùng qua fingerprint bằng cách loại bỏ hầu hết đặc điểm nhận dạng của một thiết bị. Kết quả là, đặc điểm nhận dạng MacBook của bạn sẽ giống hệt MacBook của tất cả mọi người qua con mắt theo dõi của công ty khai thác dữ liệu.
Safari không phải trình duyệt đầu tiên hành động vì người dùng trong diễn biến internet phức tạp hiện nay. Firefox đã có một chức năng chống tracking từ trước và Chrome cũng được trang bị một công cụ tương tự. Tuy nhiên, nỗ lực của Apple thể hiện qua vô hiệu hóa hoàn toàn fingerprinting được các chuyên gia đánh giá cao và tỏ ra thực sự hứa hẹn trong việc bảo vệ người dùng khỏi các thế lực và tổ chức công nghệ sử dụng công nghệ cho mục đích không tốt.
Chỉ 10 năm trước thôi, khi khái niệm smartphone vẫn còn chưa phổ biến và Apple vẫn còn đang chập chững những bước đi đầu tiên với iPhone, không ai có thể nghĩ đến việc chụp một bức ảnh, chỉnh sửa rồi chia sẻ lên mạng xã hội trong chưa đầy 5 phút qua điện thoại thông minh như hiện giờ.
Công nghệ phát triển, đem lại biết bao tiện ích cho phép con người được kết nối mạnh mẽ hơn bao giờ hết đi kèm với mối hiểm họa về rò rỉ thông tin cá nhân trên mạng, đó là hiện thực tàn khốc và là mặt trái của công nghệ chúng ta buộc phải chấp nhận. Cuộc chiến an ninh mạng không bao giờ đi đến hồi kết, tuy nhiên sự nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng đến từ những công ty như Apple và Google cũng khiến người sử dụng yên tâm phần nào mỗi lần lên mạng.