Từ năm 2010, Adidas đã cắt giảm một nửa sản lượng giày dép được sản xuất ở Trung Quốc của mình và chuyển sang sản xuất ở Việt Nam. Tình hình cũng diễn ra tương tự với Nike khi vào một thập kỷ trước, Trung Quốc là nơi sản xuất chính của họ. Giờ đây, công ty đã chuyển hướng sản xuất từ quốc gia tỷ dân sang đất nước láng giềng – Việt Nam.
Những gã khổng lồ sneaker đã liên tục thay đổi nguồn cung sản phẩm giày dép ra khỏi thị trường Trung Quốc. Một phần của vấn đề này là do Trung Quốc hiện đã không còn tập trung mạnh mẽ vào ngành công nghiệp tiêu dùng với những sản phẩm quần áo, giày dép, dệt may mà thay vào đó tập trung vào ngành công nghiệp điện tử có giá trị kinh tế cao hơn, từ đó nâng cao kinh tế đất nước.
Nhưng không vì thế mà nói những sản phẩm giày dép này lại không giúp Trung Quốc phát triển. Nhiều năm về trước, Nike và Adidas, hai thương hiệu thể thao lớn nhất thế giới với những đôi giày chất lượng cao đã vẽ nên bức tranh kinh tế đầy màu sắc của Trung Quốc, giúp nơi đây từng bước trở thành công xưởng của thế giới.
Biểu đồ sản xuất giày dép của Adidas ở Việt Nam hơn gấp đôi so với Trung Quốc
So với Adidas, Nike vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc nhưng sản lượng giày dép sản xuất tại đây hiện nay vẫn ít hơn ở Việt Nam:
Theo Hiệp hội Công Nghiệp Thời Trang Hoa Kỳ (USFIA) ghi nhận trong một cuộc khảo sát năm 2017, các tập đoàn may mặc ngày nay đầu tư vào Trung Quốc khoảng 30-50%, vào Việt Nam khoảng 11-30% và phần còn lại cho một số quốc gia khác. Việc các thương hiệu tại Hoa Kỳ như Nike, Adidas,… đẩy mạnh hợp tác xuyên Thái Bình Dương được xem như động thái khá kỳ lạ khi trước đây, tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp định này.
Không chỉ những công ty Mỹ, những nhãn hàng thời trang đến từ các quốc gia khác như Uniqlo – chuỗi hệ thống thời trang lớn nhất Nhật Bản – cũng đã tăng cường hợp tác với các công ty gia công tại Việt Nam khoảng 40% trong năm qua. Rất có thể họ muốn đổi mới, tìm kiếm các sự lựa chọn khác ngoài Trung Quốc.
Ngành công nghiệp sản xuất giờ đây đã trải dài khắp Châu Á, điển hình là Indonesia khi hiện tại, họ đã trở thành nguồn cung ứng đứng thứ hai cho Adidas, sau Việt Nam. Về phần mình, Trung Quốc giữ vị trí thứ ba. Tuy vậy, quốc gia tỷ dân vẫn thống trị mảng sản xuất quần áo, giày dép mặc cho một số nước đang phát triển như Bangladesh cạnh tranh với giá thuê nhân công rẻ hơn khá nhiều. Để làm được như vậy, Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ để có được một lực lượng lao động lành nghề cũng như cơ sở hạ tầng hiệu quả nhằm nâng cao khả năng sản xuất và chất lượng sản phẩm. Vì thế, hầu hết quần áo của Adidas và Nike đều được sản xuất tại nơi đây.
Tại cuộc họp cổ đông thường niên vào ngày 9/5 vừa qua, giám đốc điều hành Adidas – Kasper Rorsted – đã lo ngại việc áp dụng thuế suất của Mỹ đối với các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc, như một phần trong mối quan hệ căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ông nói thêm: “Tôi sẽ không loại trừ xu hướng này sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là nguồn cung ứng quan trọng bất luận các vấn đề thuế gây trở ngại”.
Thái Âu