PGS.TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo HVBCTT phát biểu tại hội nghị. |
Sáng 19/6, tại Hà Nội đã diễn ra buổi Hội thảo khoa học quốc gia về “Quản lý truyền thông trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 – Thực trạng và những vấn đề đặt ra”. Buổi hội thảo do Học viện Báo chí và Tuyên truyền (HVBCTT) và Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin Điện tử – PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT) phối hợp tổ chức.
Buổi hội thảo được thực hiện nhằm làm rõ thực trạng và những vấn đề đang đặt ra trong công tác quản lý truyền thông. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học sẽ đề xuất phương hướng, giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý truyền thông ở nước ta trong bối cảnh CMCN lần thứ 4.
Quan điểm quản lý mới về quản lý an ninh mạng
Theo PGS.TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo HVBCTT, cùng với sự phát triển của các nền tảng truyền thông, công tác chỉ đạo, quản lý truyền thông đang gặp không ít khó khăn. Sự bùng nổ của các mạng xã hội như Facebook, YouTube,… khiến các cơ quan chức năng khó lòng kiểm soát.
Do vậy, việc đưa ra biện pháp hợp lý để hạn chế ảnh hưởng xấu của các thông tin sai lệch trên mạng đối với dư luận xã hội là điều vô cùng cấp thiết. Công tác quản lý truyền thông phải đối mặt với các vấn đề quản lý thông tin trên một không gian “mở” nhưng “ảo”, những vấn đề về an ninh truyền thông, hacker, tin tặc, các loại tội phạm thông tin đặc biệt nguy hiểm.
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết: “Công tác quản lý thông tin trên mạng xã hội, định hướng dư luận ở nước ta đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, do sự tác động của quá trình toàn cầu hóa thông tin, sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông trên Internet”.
Theo ông Lê Quang Tự Do, cốt lõi của điều này là vấn đề quan điểm. “Khi nghe sinh viên nói lên nhận thức của mình về Luật An ninh mạng, Luật Đặc khu, tôi nghĩ ngay đến vấn đề làm sao phải có quan điểm mới”, vị Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT chia sẻ.
Từ trước đến nay, con người quá quen thuộc với không gian trên mặt đất, sau đó mở rộng với không gian trên biển, trên trời, trên vũ trụ, và giờ là không gian mạng. Ta đã có hàng ngàn năm để làm quen với không gian trên đất, biển, hàng trăm năm với không gian trên trời, vũ trũ nhưng chỉ có mấy năm làm quen với không gian mạng. Điều này dẫn đến việc tư duy của chúng ta hầu như vẫn theo lối cũ, ông Lê Quang Tự Do nói.
Thẳng thắn nhìn nhận về điều này, vị lãnh đạo Cục PTTH&TTĐT cho rằng không gian mới cần quan điểm quản lý mới. Luật An ninh mạng chính là lời giải cho câu hỏi chúng ta có cần bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng hay không.
Đứng trên quan điểm cá nhân, ông Lê Quang Tự Do cho rằng với bất cứ không gian nào, chúng ta cũng cần phải khẳng định và nắm chắc chủ quyền của quốc gia.
Trước ý kiến cho rằng Internet là một không gian mở, do đó không cần khẳng định chủ quyền, vị lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước này cho rằng, cần phải thận trọng với suy nghĩ đó. “Mỹ nắm chủ quyền không gian mạng rất chắc nên họ muốn các nước khác không cần nắm chủ quyền trên không gian mạng mà để họ nắm giúp”, ông Lê Quang Tự Do chia sẻ.
Không nên chủ quan với thông tin trên mạng
Tại buổi hội thảo, ông Lê Quang Tự Do cũng cho biết, Luật An ninh mạng nhận thức được điều đó và thể hiện tư duy không dùng quan điểm quản lý hiện nay với các loại hình không gian khác.
Chúng ta đang quản lý không gian mạng theo quan điểm quản lý báo chí truyền thống, thậm chí là dùng tư duy của thời kỳ trước. Điều này dẫn đến thực tế rằng chúng ta quản lý nhưng người bị quản lý là cư dân mạng lại không theo sự quản lý của chúng ta. Do vậy, phải đổi mới quan điểm quản lý bằng cách tiếp cận dân chủ bình đẳng, truyền thông thuyết phục, ông Lê Quang Tự Do nói.
Giải thích cụ thể vấn đề này, vị lãnh đạo Cục PTTH&TTĐT cho rằng “Trước đây chúng ta quản lý thông tin trên báo chí theo hướng bạn là bạn, tôi là tôi. Giờ đây, với việc quản lý thông tin trên mạng xã hội phải theo hướng trong bạn có tôi trong tôi có bạn, sau đó tiến đến bạn là tôi, tôi là bạn. Phải làm vậy thì thông tin quản lý mới đến được với cộng đồng. Nếu chỉ nói một chiều, áp đặt thì chưa đạt hiệu quả truyền thông”.
Ông Lê Quang Tự Do cũng khẳng định sự cần thiết của việc phải có một mô hình quản lý mới trên không gian mới. “Trong quá trình làm công tác quản lý, tôi có nhận xét rằng đội ngũ quản lý làm công việc quen thuộc thì chắc tay, thích thú, nhưng chuyển qua lĩnh vực mới, thay đổi nhanh chóng như môi trường mạng xã hội thì bỡ ngỡ, ngại học”.
“Nói nhiều về 4.0, Facebook, YouTube nhưng để thực sự hiểu đó là gì, các tính năng, tác động với xã hội thế nào thì không nhiều người biết. Đội ngũ quản lý cũng thiếu nhiều thông tin, kiến thức thì làm sao có thể quản lý được tốt”, ông Lê Quang Tự Do chia sẻ.
Theo vị lãnh đạo Cục PTTH&TTĐT, mô hình quản lý hiện nay không thể đối phó được tất cả những diễn biến xảy ra trên mạng xã hội bởi nó phản ứng quá chậm, trong khi thông tin trên mạng xã hội rất nhanh chóng, linh hoạt.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, nhà nước cần quy về một đầu mối duy nhất để quản lý thông tin trên Internet. Điều này nhằm tránh hiện tượng chồng chéo, dẫm chân nhau. Nếu chờ đợi lẫn nhau, sẽ không thể nào nắm bắt được các thông tin trên mạng xã hội.
Sau một thời gian làm công tác quản lý mạng xã hội, ông Lê Quang Tự Do nhận thấy rằng các thông tin trên mạng xã hội cũng có quy luật. Chúng ta phải có các công cụ phân tích và xử lý, thay vì nắm thông tin dư luận theo cách kinh điển.
Việc phát hiện những điểm nóng, luồng dư luận mới, tác động của nó đối với chính sách là một bộ môn khoa học cần nghiên cứu. Các nước tiên tiến gọi đó là xử lý dữ liệu lớn hay Big Data. Đáng tiếc là ở Việt Nam, ngành khoa học này còn rất manh nha, mơ hồ đối với khái niệm nguồn tài nguyên dữ liệu lớn, ông Lê Quang Tự Do chia sẻ.
Trọng Đạt